Tinh hoa Việt

Rừng pơ mu trên đỉnh Pu Lon

ĐIỀN BẮC 21/12/2023 13:50

Ở vùng cao huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong nhiều thập niên qua, có một gia đình 3 thế hệ thay phiên nhau trồng mới và bảo tồn rừng pơ mu rộng lớn cả trăm ha với hàng vạn cây quanh năm xanh tốt. Hộ dân này đã biến vùng đất trống, đồi trọc ngày nào thành cánh rừng bạt ngàn không chỉ mang giá trị lớn về mặt thương phẩm mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái cho vùng núi cao này.

anh-2.jpg
Ông Vừ Rả Tênh (bên phải) bên cánh rừng do bố con ông trồng 20 năm trước.

3 thế hệ trồng pơ mu

Những ngày cuối năm 2023, tôi vượt hơn 300 km ngược về miền Tây xứ Nghệ, tiến về bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, nơi có dãy núi Pu Lon sừng sững giữa đại ngàn miền biên viễn. Và cũng trên dãy núi này, một màu xanh ngát kéo dài bất tận. Màu xanh ấy, chính là cánh rừng hàng chục năm tuổi được “phủ” toàn cây pơ mu, sa mu do chính một gia đình với nhiều thế hệ gieo trồng.

Hỏi ra mới biết, gia đình làm nên điều kỳ diệu giữa đại ngàn biên giới là ông Vừ Rả Tênh (sinh năm 1972), hiện là Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn. Trước ông Tênh, người “mở đường” gieo nên rừng pơ mu này lại chính là cha ông, cụ Vừ Pà Rê (75 tuổi).

Dạo quanh một góc nhỏ khu rừng, ông Tênh chậm rãi kể: Từ những năm 1996, bố của ông khi vào dãy núi Pu Lon phát hiện cánh rừng pơ mu, sa mu tại đây bị đốn hạ nhiều. Những quả đồi này đã bị dân bản "cạo trọc" để làm rẫy, nhưng sau đó lại bỏ hoang vì đất không còn chất dinh dưỡng. Xót xa cánh rừng mà cha ông để lại bị hoang tàn, cụ Rê quyết định “hồi sinh” loại cây từng là chỗ dựa của bản làng. Ban đầu, cụ đi tìm những cây pơ mu, sa mu con về trồng trên những cánh rừng bị tàn phá.

“Hồi đó, tôi theo bố cơm đùm, cơm nắm vào rừng tìm cây. Sáng sớm đi, gần trưa mới đến được khu rừng có pơ mu, sa mu để nhổ. Cả đi cả về mất tầm hơn ngày, vất vả là thế nhưng mỗi chuyến đi chỉ tìm được vài ba chục cây pơ mu, sa mu và nó cũng chỉ cao vài gang tay. Bố con tôi mang về đào hố trồng trên các quả đồi ở dãy Pu Lon với quyết tâm phủ xanh đồi trọc.

Thời điểm đó, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bố vẫn luôn động viên chúng tôi đồng hành, rừng phải xanh lên thì bản làng, bà con mới vui được" - ông Tênh nhớ lại.

Cũng theo ông Vừ Rả Tênh, do việc tìm cây pơ mu, sa mu con trở nên khó khăn vì nhiều yếu tố. Nhưng với quyết tâm phải phủ xanh những ngọn đồi trọc, bố con ông Tênh bắt đầu nghĩ đến cách tự nhân giống. Và để nhân được giống loại cây này, phải có quả của nó. Thế rồi, cha con già Rê lại khăn gói lên rừng tìm quả pơ mu, sa mu nhỏ bằng ngón tay đem về phơi khô, tách hạt để ươm. “Tìm cây đã khó, tìm quả còn khó hơn, bởi nó lẫn trong đất đá, có những hạt khi đào lên tưởng chừng dễ, nhưng khi ươm lại không nảy mầm” - ông Tênh nhớ lại.

Điều đáng nói, mỗi quả có pơ mu, sa mu thường có 5-10 hạt, nhỏ hơn hạt gạo. Ông Tênh nói, đã mất khá nhiều thời gian trong việc ngâm, ủ và chờ đợi khoảng 2 tháng hạt mới nảy mầm. Đây là giai đoạn đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó chăm sóc. Phải mất đến 5 tháng sau, khi cây cao 20-30 cm mới trồng được.

Không những vậy, khi trên các cánh rừng già quanh vùng “cạn kiệt” quả pơ mu, sa mu, bố con ông Tênh tiếp tục nhân giống, đồng thời nhờ chính quyền hỗ trợ giống cây con từ nơi khác về. "Dự án về xã, Nhà nước hỗ trợ tiền công trồng, bố tôi đi vận động bà con cùng tìm pơ mu, sa mu nhưng họ nói trồng cây nhỏ xíu như vậy đến bao giờ mới cho gỗ, nên không ai trồng. Dù vậy, bố tôi vẫn quyết tâm, không ai trồng thì mình phải trồng. Bố con tôi lại tiếp tục băng rừng, lội suối tìm cây. Sau gần 15 năm kiên trì, chăm chỉ, những đồi trọc đã được phủ kín bằng hàng vạn cây pơ mu, sa mu" - ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của cụ Rê kể về những khó khăn.

Vừa kể chuyện, ông Phử vừa chỉ tay vào khu vực rừng đang đứng, chỗ này do bố tôi đề phòng cây chết thì có cây khác thay thế vào nên trồng rất dày.

Song, hợp thổ nhưỡng, cây nào cũng sống được thành ra ở đây cây bị rợp bóng nên phát triển chậm hơn ở những nơi có ánh nắng. Do tuổi cao sức yếu, cụ Rê qua đời khi đã cùng các con trồng thành công những cánh rừng pơ mu, sa mu tươi tốt, xanh ngút ngàn trên dãy núi Pu Lon. Cũng từ đó, để thực hiện ước nguyện của người bố quá cố, các con của cụ Rê tiếp tục công việc trồng rừng cho tới nay.

anh-3..jpg
Một góc rừng pơ mu, sa mu.

Nhân lên mô hình trồng rừng

Khi về tới xã Tây Sơn, phóng tầm mắt ra xa, ắt hẳn ai cũng trầm trồ, cánh rừng pơ mu, sa mu nằm sát khu dân cư bản Huồi Giảng, cách trụ sở UBND xã khoảng 4km là một khu vực thoai thoải, rộng, tràn đầy sức sống. Theo người dân địa phương, vào mùa hè, nhiều đoàn từ miền xuôi ngược lên tham quan, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành ở nơi đây. Nhưng ít ai biết rằng, để có được kết quả ấy, là công lao to lớn của một gia đình nhiều thế hệ Vừ Pà Rê suốt bao năm trồng trọt, chăm bẵm.

Nói về khu rừng pơ mu, sa mu này, ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn hồ hởi: Cánh rừng pơ mu, sa mu ở đây đều có tuổi đời 18 đến 20 năm, nhiều cây có đường kính từ 30-40 cm2. Khu rừng rộng hơn 100 ha, trong đó có trên 28 ha do bố con già Rê trồng.

Ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của cụ Rê nhớ lại rằng: Việc trồng cây pơ mu của bố ông cũng là cơ may. Bởi, chuyện bố con ông Rê tìm cây con để trồng rừng đã đến tai ông Vừ Chông Pao, thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (1969 - 1989).

Để hỗ trợ bà con Tây Sơn trồng rừng, ông Vừ Chông Pao đã đưa dự án trồng rừng 327 về xã hỗ trợ dân bản cùng chung tay trồng lại những cánh rừng pơ mu, sa mu. Và nhờ có dự án 327 hỗ trợ, lại hiểu ra việc trồng pơ mu, sa mu của già Rê, vừa giữ được rừng, vừa có thu nhập, bà con trong các bản chung tay ủng hộ. Phong trào trồng pơ mu, sa mu cứ thế được nhân rộng dần trong toàn xã. Vui hơn là chuyện trồng rừng pơ mu, sa mu đã lan sang các bản Mông, các xã rẻo cao lân cận có cùng điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như Tây Sơn.

Những cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm của gia đình già làng Vừ Pà Rê và dân bản ở xã Tây Sơn có giá trị rất lớn về môi trường, phòng hộ, bảo vệ nguồn gen... Không chỉ có vậy, việc làm của già làng Vừ Pà Rê còn có ý nghĩa to lớn thúc đẩy phong trào trồng cây gây rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn. Nhờ đó, những cánh rừng pơ mu, sa mu vô giá được trồng bởi mồ hôi, công sức của đồng bào ở Kỳ Sơn suốt hàng chục năm qua luôn được cộng đồng bảo vệ.

Theo thị trường hiện nay, gỗ pơ mu, sa mu có giá khoảng 30-35 triệu đồng/m³. Nhiều người nhẩm tính, khu rừng Pơ Mu của bố con ông Vừ Pà Rê trị giá cả trăm tỷ đồng nếu thu hoạch gỗ.

Tuy nhiên, những thế hệ con cháu của già Rê xác định: Mục đích của bố con ông là trồng rừng cho đời con, đời cháu và cho đời sau, chứ không phải trồng rừng để mục đích kinh doanh. Hiện con đường dẫn lên cánh rừng đã được ông Phử cho máy xúc san mặt bằng, để các phương tiện dễ dàng lên tới đỉnh. Anh em nhà ông Phử còn đóng những dãy ghế dài, xích đu để người tham quan nghỉ ngơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng pơ mu trên đỉnh Pu Lon

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO