Rừng sưa hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ

Tấn Thành - Chí Đại 01/11/2021 06:10

Thời gian gần đây, nhiều cây sưa hàng trăm năm tuổi ở thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị đốn hạ khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Rừng sưa bị đốn hạ

Ngày 29/10, chúng tôi được một người dân ở thôn Tây Lộc dẫn đường đi hơn 1,5 km vào sâu trong khu vực đầu nguồn rừng phòng hộ Ma Phan, xã Tam Lộc. Khoảng chừng hơn 30 phút đi bộ, đến điểm đầu rừng có 3 gốc sưa cổ thụ với đường kính hơn 50cm bị đốn hạ, nhiều cành, nhánh cây sưa bị bỏ lại nằm ngổn ngang, trong khi đất đá khu vực này bị cày xới tan hoang.

Đi tiếp khoảng chừng 500 m, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm 5 gốc cây sưa lớn đã bị chặt hạ bỏ nằm phơi nắng, phơi mưa giữa núi rừng, cùng với đó là nhiều thân cây sưa đã bị cắt thành khúc tập kết lại một bãi, những chỗ chặt hạ cây sưa, đào gốc đã tạo thành những vũng nước. Có một số cây sưa bị đốn hạ đã đánh dấu ký hiệu của kiểm lâm.

Người dân thôn Tây Lộc cho biết, từ cuối tháng 9/2021 đến nay, nhiều người lạ đã đem xe tải, máy cưa vào rừng để cắt, đào tận gốc các cây sưa hàng trăm năm tuổi ở khu vực đầu nguồn rừng phòng hồ Ma Phan.

Theo người dân địa phương, những người triệt hạ các cây sưa đã dùng xe vận chuyển thân, gốc cây sưa ra ngoài và chuyển đi nơi khác. Việc rừng sưa bị tàn phá khiến người dân địa phương rất bức xúc. Trong khi đó con đường dẫn lên khu vực rừng phòng hộ này có treo biển cấm chặt đốn hạ cây rừng và đốt lửa. Tuy nhiên, sự việc này chưa thấy chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng xử lý.

“Khu vực rừng phòng hộ Ma Phan có rất nhiều loại gỗ quý, trong đó nhiều nhất là gỗ sưa và gỗ mùn. Hiện địa phương có hơn 40 cây sưa từ 200 đến 500 tuổi, nhiều cây sưa có đường kính lớn, 5 đến 6 người ôm không hết. Thế nhưng, họ vào khai thác đốn hạ mà chính quyền địa phương hay đơn vị quản lý rừng phòng hộ không ngăn chặn gì cả, những người này lợi dụng vào trời mưa to mới đốn hạ gỗ sưa. Khoảng hơn 10 ngày qua, do người dân gọi phản ánh đến chính quyền nên họ tạm nghỉ, không chặt hạ các cây sưa nữa” - ông H., người dân trú tại thôn Tây Lộc nói.

Ông H. cho hay: “Tôi nghe kể lại hồi xưa ông bà trồng cây sưa ở rừng để bảo vệ đất khỏi sạt lở. Đến tôi thì cũng hơn 4 thế hệ rồi không một ai dám chặt phá. Còn về nguồn gốc đất ở chỗ mấy người cưa xẻ gỗ sưa thì tôi không nắm rõ”.

Đổ thừa trách nhiệm?

Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết, khu vực rừng mà người dân phản ánh nhiều cây sưa cổ thụ bị đốn hạ thuộc quản lý của Hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam và Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam.

“Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền xã đã báo cáo về huyện Phú Ninh để có hướng xử lý. Còn về số cây sưa này thì theo các vị cao niên ở địa phương cho hay đã có từ lâu đời rồi. Chính quyền xã đã mời các hộ dân bán gỗ sưa lên UBND xã để làm việc, yêu cầu mọi người chấm dứt hành vi mua bán cây sưa ở đây” - ông Bình nói.

Trong khi đó, ông Đặng Ích Phúc - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho rằng khu vực mà người dân đốn hạ các cây sưa ở thôn Tây Lộc, không thuộc rừng phòng hộ Ma Phan do đơn vị quản lý mà thuộc về chính quyền xã Tam Lộc. Khu vực rừng này có một hộ dân đã được cấp giấy quyền sử dụng đất vào năm 2004, cách rừng phòng hộ tự nhiên 150 m. Hiện tại, đơn vị đang quản lý hơn 200ha ở rừng phòng hộ.

Còn ông Bùi Văn Tưởng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam cho rằng, diện tích đất đó đã cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Quang vào năm 2004, với diện tích 4,5 ha đất rừng đến thời hạn năm 2054, mục đích sử dụng đất làm trang trại. Đến năm 2007, khu vực này mới có quyết định quy hoạch thành rừng phòng hộ.

“Theo Thông tư 27 nếu cây trong rừng được cấp quyền sử dụng đất mà không có tranh chấp, không có kiện cáo thì ông Quang có quyền bán số cây này. Sự việc trên, đơn vị đã làm báo cáo cho UBND huyện Phú Ninh để nắm thông tin, hướng giải quyết” - ông Tưởng nói.

Vậy trách nhiệm quản lý khu vực này thuộc đơn vị nào? Rừng sưa hàng trăm năm tuổi bị triệt hạ đúng hay sai? Rất cần cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam làm rõ vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng sưa hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ