“Dù các quy định về quản lý rượu đã có nhiều song chúng chưa thật chặt chẽ, chưa rõ ràng. Ngay cả với những vụ ngộ độc rượu gây tử vong xảy ra trong thời gian qua, chúng ta chưa thể xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm chính”- đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến về vấn đề quản lý rượu hiện nay.
Bệnh nhân ngộ độc rượu nặng được điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng thị trường sản xuất, kinh doanh rượu rất phức tạp, khó quản lý. TS Nguyễn Hùng Long- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho hay, hiện nay, rượu tự nấu chiếm khoảng 70% thị trường. Để phòng ngừa ngộ độc rượu methanol phải tập trung vào những người kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ. Ở những nơi này, rượu không nhãn mác rất nhiều trong khi đó, bằng mắt thường và kể cả lúc uống, không thể phân biệt một chai “rượu quê”, rượu tự nấu với rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol.
Theo ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, việc quản lý rượu dân tự nấu đang có vấn đề. Luật quy định cơ sở sản xuất rượu phải được cấp giấy phép, cơ sở bán rượu phải bán rượu có nhãn mác đầy đủ nhưng với hàng trăm ngàn hộ nấu rượu thủ công, việc cấp phép là rất khó. Ông Việt cho biết: “Không thể có cơ quan nào kiểm soát hết việc một bác nông dân hoặc một bà đồng nát về nhà tự nấu vài lít, vài chục lít rượu... bán chơi”.
Theo khảo sát của PV tại một số quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều quán chỉ có rượu tự nấu như rượu táo mèo, rượu ba kích… nhưng không có chứng nhận nguồn gốc. Thậm chí một vài quán còn có cả rượu trắng đựng bằng chai Lavie. Ông Nguyễn Phú Cường- Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương thừa nhận, hiện chưa thể thống kê chính xác số lượng rượu tự nấu, các số liệu thống kê chỉ là ước tính.
Lý giải cho tình trạng này, theo TS Nguyễn Hùng Long, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc rượu gặp nhiều khó khăn do thị trường sản xuất, kinh doanh rượu đa dạng, phức tạp, khó quản lý; rượu sản xuất hàng triệu lít/năm, hàng nghìn, hàng vạn cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các quy mô khác nhau, chủ yếu là hộ gia đình, làng nghề (75%).
Bên cạnh đó, hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn rượu còn hạn chế. Trong đó, Bộ Công thương được phân công quản lý sản xuất, kinh doanh rượu (Luật ATTP); Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND các địa phương quản lý ngộ độc thực phẩm, tác hại về sức khỏe, lạm dụng rượu…Công tác kiểm soát an toàn đối với nguyên liệu không đảm bảo an toàn chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn còn nguồn cung cấp, kinh doanh nguyên liệu không bảo đảm an toàn để sản xuất rượu. Chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, chưa có trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngay tại Hà Nội, trong tháng cao điểm ra quân kiểm tra mặt hàng rượu, toàn thành phố đã thành lập gần 700 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 5.420 cơ sở, thu hồi trên 55 nghìn lít rượu, tiêu hủy 20 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc, xử phạt hành chính 733 cơ sở với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng rượu không rõ nguồn gốc.
Còn Chi cục ATVSTP Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kết quả của đợt thanh tra, kiểm tra ATVSTP phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn tỉnh, 100% cơ sở sản xuất rượu truyền thống được kiểm tra không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo báo cáo kết luận, phần lớn các cơ sở nấu rượu thủ công không đảm bảo điều kiện vệ sinh: gần khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến dưới nền nhà, dụng cụ sản xuất không đảm bảo vệ sinh, bảo quản sản phẩm sai quy định, cơ sở nấu rượu tạm bợ. Các cơ sở bán rượu gạo truyền thống không có nhãn mác, giấy tờ chứng minh xuất xứ.
Cũng cần nhắc lại, từ ngày 1 đến 27-3, tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9kg men rượu và 59 vỏ chai rượu
Để tuyên chiến với hiện trạng sản xuất rượu lan tràn không đảm bảo chất lượng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, phải có biện pháp quản lý chất methanol hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm động thực vật, rượu trôi nổi không được chứng nhận an toàn, không được kiểm nghiệm độc tính.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng của địa phương cần tăng cường kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc sản xuất kinh doanh rượu của người dân trên địa bàn đặc biệt là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; phát hiện sớm và xử lý công khai trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn đối với rượu trên địa bàn; phát triển năng lực hệ thống quản lý, giám sát và phòng chống ngộ độc do rượu về nhân lực và trang thiết bị giám sát, kiểm định độc tính của rượu…