Đến Sa Pa (Lào Cai) vào những ngày đầu tháng 10, du khách ngỡ ngàng bởi trùng trùng, điệp điệp ruộng bậc thang nhuốm sắc vàng rực rỡ nổi bật giữa núi non hùng vỹ.
Trên cánh đồng ở bản Tả Van.
Năm 2009 tạp chí du lịch nổi tiếng Travel and Leisure (Mỹ) đã bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là một trong bảy ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới. Khi được hỏi về Sapa, nhiều du khách nước ngoài trả lời: Điều ấn tượng nhất khi họ đến với Sapa là được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại trên khắp các sườn đồi tựa như những nấc thang tới thiên đường. Và cũng chẳng có gì lạ khi ruộng bậc thang Sapa được tờ báo du lịch danh tiếng Mother Nature vinh danh là một trong ba mươi địa điểm đẹp nhất thế giới. Và vào thời điểm này du khách lại rủ nhau lên Sa Pa ngắm mùa vàng.
Cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 10km về phía Đông Nam, thung lũng Mường Hoa là nơi có thể chiêm ngưỡng ít nhất một lần trong đời bởi vẻ đẹp hữu tình riêng có của miền sơn cước. Thung lũng Mường Hoa đẹp nhất khi bước vào mùa thu, cả thung lũng như được khoác áo mới với thảm lúa chín vàng óng ả.
Nhìn từ trên cao, núi vẫn cao sừng sững, rừng vẫn xanh bạt ngàn, thung lũng Mường Hoa lúc này tựa dải lụa dài bất tận uốn lượn uyển chuyển, mềm mại. Chỉ một lần ngắm vẻ đẹp khoáng đạt này từ trên cabin cáp treo Fansipan, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Sa Pa.
Nhưng cũng có nhiều du khách lại chọn cách lang thang trên cánh đồng để thưởng thức mùa vàng theo cách riêng ở các điểm: bản Cát Cát, Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn… Trên cánh đồng mênh mông, du khách sẽ cảm nhận được hương thơm của lúa chín thoang thoảng trong gió, khiến tâm hồn thư thái, thảnh thơi.
Ngắm nhìn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở cự li gần, bạn có thể nhìn thấy vẻ đẹp căng tràn đầy sức sống của những hạt lúa trĩu bông. Không chỉ vậy, du khách còn có thể thỏa sức ngắm nhìn, hòa mình vào cuộc sống lao động vất vả nhưng tràn ngập niềm vui của đồng bào dân tộc nơi đây. Đâu đó trên những nương lúa, khi người lớn đang hăng say lao động, đám trẻ nhỏ lại cùng nhau nô đùa.
Từ những ngôi nhà ở lưng chừng núi, chúng đi thành đoàn, xuyên qua những thửa ruộng chín vàng, tụ tập ở những khoảng đất trống, tiếng cười nói vang vọng khắp thung lũng. Đặc biệt, nếu ngắm nhìn mùa lúa chín ở Sa Pa vào khoảnh khắc bình minh, khi những tia nắng sớm bắt đầu trỗi dậy, sẽ thấy Sa Pa mang một sức sống mới. Vào lúc hoàng hôn, nắng chiều chiếu xuống cánh đồng tỏa một màu vàng rực rỡ.
Vào bản Cát Cát.
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, theo con đường hướng về phía núi Fanxipan khoảng gần 2km, du khách sẽ đến bản Cát Cát (xã San Sả Hồ). Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, Cát Cát là điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Lúa ở đây cũng nhuộm một màu vàng xuộm, đường vào bản tấp nập những chàng trai cô gái với gùi lúa chín sau lưng.
Bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, với dân cư chủ yếu là người dân tộc Mông. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn bản làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức đồng thời cho xây dựng tại đây một nhà máy thủy điện hiện vẫn được bảo tồn. Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy, bản cũng lấy tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat). Bản nằm sâu phía trong thung lũng với ba bể là núi.
Có tới gần 80 hộ dân hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, một số khác nằm rải rác trên các sườn núi. Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đến đây du khách sẽ thực sự thích thú khi cùng hòa mình vào điệu múa dịu dàng của những cô gái Mông xinh đẹp, điệu khèn, tiếng đàn môi say đắm lòng người hay cùng giao lưu nhảy sạp với những chàng trai cô gái người Mông.
Nét đặc biệt khiến Cát Cát luôn là điểm đáng khám phá trong chuyến hành trình tour du lịch Sapa đối với du khách đó là nét đặc biệt trong kiến trúc nhà cửa người Mông Bản Cát Cát nơi đây. Nhà của người mông thường được dựng bằng ván gỗ Pơmu. Bên trong ngôi nhà được bố trí với 3 cột ngang, các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách của ngôi nhà cũng khá đặc biệt bởi được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà.
Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách. Đây là một trong những nét khá riêng trong việc dựng nhà của người dân tộc Mông Bản Cát Cát. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn bảo tồn được khá nhiều phong tục, tập quán độc đáo, trong đó không thể không kể đến “tục kéo vợ”.
Khi người con trai đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè để nhờ lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà rồi giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu bị từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.
Thiếu nữ Mông ở bản Lao Chải.
Du khách tới Sa Pa mùa này còn có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản như rượu ngô, thắng cố, thịt hun khói “khăng gai”, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, đậu xị… Và, ấn tượng hơn cả là món cá suối nướng. Cá suối nướng Sa Pa xương mềm, thịt chắc được những người sành ăn nhận xét là thơm ngon hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc. Cá suối ở đây có rất nhiều loại như cá bống, cá hoa…
Đặc biệt, các loại cá này đều tương đối nhỏ. Để thưởng thức món cá suối nướng đúng vị, sau khi bắt cá, bạn xiên chúng vào những xiên nứa rồi nướng trên bếp củi, bỏ thêm chút gia vị. Chỉ cần vậy, bạn là đã có một món cá nướng thơm ngon, hấp dẫn. Người dân bản địa thường nướng sơ cá ngay tại suối sau đó mang về nhà kho ăn dần, hoặc mang lên bán ở các phiên chợ. Chính vì thế, du khách có thể dễ dàng mua được món đặc sản Sa Pa hấp dẫn này.