Sắc màu văn hóa các dân tộc rất ít người

Từ Khôi 06/11/2023 09:22

Ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người lần thứ I với chủ đề “Bảo  tồn,  phát  huy  và  lan  tỏa  bản  sắc  văn  hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người” diễn ra từ ngày 3 - 5/11, tại tỉnh Lai Châu.

Nghi lễ cầu mưa của người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng.

Ngày hội nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Phó trưởng Ban tổ chức cho biết, công tác tổ chức được chuẩn bị rất công phu, chi tiết. Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Sở VHTTDL của các tỉnh thành (Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum) là địa phương có các dân tộc rất ít người cư trú. Ước tính Ngày hội đã thu hút hơn 2500 người tham gia vào các hoạt động: Trình diễn, giao lưu văn nghệ, thể thao…

Theo thống kê, 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở nước ta là: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái.

Trong các địa phương, Lai Châu là nơi có tới 4/14 dân tộc rất ít người cư trú. Đó là các dân tộc Cống, Mảng, Si La, Lự. Ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh rất tự hào được đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người lần thứ I; i ý thức sâu sắc đây là cơ hội quý báu được chứng kiến các đoàn về tham dự ngày hội trình diễn những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất.

Nhiều hoạt động diễn ra tại Ngày hội đã thu hút người xem. Bên cạnh chương trình văn hóa văn nghệ là chương trình thể thao với các môn đẩy gậy, kéo co và bắn nỏ. Ngoài chương trình khai mạc diễn ra hoành tráng, các tiết mục văn nghệ và trình diễn trang phục của đồng bào các dân tộc rất ít người đã khiến người xem trầm trồ về những tinh tế của hoa văn. Nổi bật trong trang phục dân tộc truyền thống của nữ giới là người Si La với những hàng đồng bạc trắng đính trên ngực áo, nổi bật trên màu chàm; là người Lô Lô đen và Bố Y với họa tiết thêu tinh xảo và giàu ý nghĩa trên hai ống tay và ngực áo; là người Lô Lô đen với những mảng màu dọc ống tay nổi lên trên màu đen; là người Pà Thẻn với sắc màu sặc sỡ như thần lửa…

Các tiết mục trình diễn nghi lễ độc đáo của người Lô Lô đen (lễ cầu mưa), của người Brâu (lễ hội mở kho lúa), người Ơ Đu (lễ cầu mưa)… toát lên sự độc đáo giàu giá trị trong bản sắc dân tộc. Có những nghi lễ đã được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ví như Nhảy lửa của người Pà Thẻn…

Ban tổ chức đã gặp mặt và vinh danh 31 nghệ nhân, người dân tộc rất ít người có công trong việc tuyên truyền, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của thế hệ đi trước cho lớp con cháu. Nghệ nhân Hù Cố Xuân, dân tộc Si La (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết, bà vốn là giáo viên tiểu học, khi về hưu đã tổ chức truyền dạy nhiều bài dân ca cho các cháu. Nghệ nhân Chang Văn San, dân tộc Cống (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: “Ngoài việc truyền dạy ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ sau, tôi còn phổ biến pháp luật cho các cháu”.

Còn với dân tộc Ngái, nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ (Tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, vì sống chung với cộng đồng các dân tộc nên dân tộc Ngái cần có ý thức không để ngôn ngữ của dân tộc mình bị mai một, các dân tộc khác cũng cần lưu giữ chữ viết.

Ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc đánh giá cao tỉnh Lai Châu trong lần đầu tiên đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức. “Công việc tuyên truyền, hỗ trợ của các chính sách góp phần quan trọng để bà con thấy, giữ được văn hóa thì dân tộc mình còn”- ông Thắng nói. Còn theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung- Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), hy vọng có thể 5 năm tổ chức 1 lần Ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người. Để thông qua sự kiện, đồng bào có dịp gặp gỡ, chia sẻ và ý thức hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Chiều 5/11, diễn ra Lễ bế mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người lần thứ 1. Ban tổ chức đã trao tặng thưởng cho 31 giải A, 36 giải B, 12 giải C cho các tiết mục của các đoàn tham gia ngày hội. Cũng tại lễ bế mạc, 4 tập thể, phóng viên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen, trong đó có phóng viên Báo Đại Đoàn Kết. Kết thúc Lễ bế mạc là nghi thức trao cờ cho tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức Ngày hội lần thứ 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắc màu văn hóa các dân tộc rất ít người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO