Không phải đợi tới khi một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin về những bức tranh cổ động tuyên truyền phòng chống đại dịch Covid-19 chuyển tải thông điệp hiệu quả tới người dân, mà từ lâu, tranh cổ động Việt Nam đã góp tiếng nói độc đáo trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.
Tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế.
Mạch ngầm bền bỉ
Nhiều ý kiến cho rằng, tranh cổ động bắt đầu được sử dụng ở Việt Nam trong khoảng những năm 40 của thế kỷ 20. Trước đó, các hình thức truyền đơn cũng có thể coi là một bước đệm có tính nền móng cho dòng tranh cổ động của Việt Nam sớm mang một bản sắc riêng.
Tranh cổ động đã xuất hiện trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với đặc điểm dễ nhận đó là hình ảnh, màu sắc, bố cục rõ ràng, chuyển tải những thông điệp dễ hiểu qua đó tạo hiệu kêu gọi mọi người cùng quyết tâm quả cảm xúc thẩm mỹ, thúc giục, hành động... Trong những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhiều bức tranh cổ động đã ra đời chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát tới nhân dân.
Trong những giai đoạn đầu đó, nhiều họa sĩ nổi tiếng đã được huy động để sáng tác tranh áp phích, trong đó có các họa sĩ như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Thuận... Có thể kể ra một loạt những tranh cổ động của các họa sĩ như: “Nước Việt Nam của Người Việt Nam” (Trần Văn Cẩn, 1945), “Bảo vệ hòa bình” (Nguyễn Đỗ Cung, 1959), “Toàn thế giới ủng hộ chúng ta” (Huỳnh Văn Gấm, 1963), “Đâu có giặc là ta cứ đi” (Văn Đa, 1964), “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (Nguyễn Văn Tỵ, 1967)...
Trong dòng chảy của tranh cổ động ở Việt Nam, còn một lực lượng sáng tác khác, đó là những người lính trực tiếp chiến đấu nhưng có năng khiếu hội họa cũng tham gia vẽ tranh cổ động, tranh tuyền truyền, tờ rơi… Đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn lưu giữ được khá nhiều tác phẩm có giá trị.
Thời kỳ đó, theo lời một số họa sĩ kể lại, được góp chút khả năng của mình vào kháng chiến là rất vinh dự. Các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình rất nhỏ bé, nằm trong công sức của nhiều người. Chính vì thế vẽ xong họ thường không ký tên vào tranh.
Trải qua thời gian, nhiều thế hệ họa sĩ đã tiếp tục sáng tạo, góp thêm nhiều tác phẩm giá trị. Mặc dù được sáng tác thủ công, với công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng, nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao, biến tranh cổ động thành phương tiện truyền tải thông tin rất hữu ích...
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ họa cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem, khích lệ toàn quân, toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất để phục vụ cách mạng. Chính vì vậy, những tác phẩm mỹ thuật này không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, mà ý nghĩa của nó còn gắn bó chặt chẽ với thời cuộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân ta…
Tranh cổ động của họa sĩ Hà Quốc Minh.
Vào cuộc “tiêu diệt” Covid-19
Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các họa sĩ vẽ tranh cổ động đã vào cuộc khá sớm. Trong đó có thể kể tới họa sĩ trẻ Lê Đức Hiệp với bức tranh cổ động “Ở nhà là yêu nước”. Bức tranh này đến nay đã khá nổi tiếng, và được nhiều tờ báo quốc tế in lại. Phía trên bức tranh cổ động là thông điệp kêu gọi người dân hạn chế ra đường, tụ tập để cùng chung tay đẩy lùi Covid-19. Phía dưới bức tranh là những lời nhắn gửi
vừa thiết thực vừa hóm hỉnh: “Ai ho báo y tế. Ai tung tin giả báo công an. Ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng...” cùng số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế, Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao, phản ánh đúng tinh thần phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ.
Họa sĩ trẻ Lê Đức Hiệp cho biết, anh thiết kế bức tranh “Ở nhà là yêu nước” rất nhanh, chỉ gọn trong một buổi chiều. “Tôi cũng nghĩ rất nhiều về thông điệp trên poster, nhưng thay vì kêu gọi dài dòng, tôi chọn thông điệp chính ngắn gọn: Ở nhà là yêu nước để có thể khơi gợi tinh thần mạnh mẽ cho người xem. Những thông tin còn lại, tôi cũng chọn cách diễn đạt sao cho ngắn gọn, hài hước và dễ nhớ nhất để poster có thể lan tỏa dễ hơn”- Đức Hiệp chia sẻ thêm.
Trong mảng tranh cổ động tuyên truyền về đại dịch Covid- 19 không thể không kể tới 14 bức tranh cổ động của các họa sĩ: Đỗ Như Điểm (Thái Bình), Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc), Hà Quốc Minh (Hòa Bình), Lê Thuận Long (Quảng Bình) và khá đông họa sĩ đang sinh sống tại Hà Nội như: Nguyễn Tuấn Khởi, Lưu Yên Thế, Trần Duy Trúc… Đây là bộ tranh cổ động được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) chọn ra từ hơn 100 bức tranh cổ động của 23 họa sĩ gửi về tham gia cuộc phát động vẽ tranh cổ động để tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống dịch bệnh đồng thời cổ vũ đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Điều đáng chú ý, những tác phẩm này được vẽ chỉ trong vòng 5 ngày. Ngay sau đó, 14 mẫu tranh cổ động đã được chọn in và gửi về các địa phương để treo tại nhiều địa điểm công cộng...
Trong số 14 mẫu tranh này, có 2 tác phẩm của họa sĩ Lưu Yên Thế: “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19” và “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả”. Được biết, họa sĩ Lưu Yên Thế năm nay đã 73 tuổi, lại đang bị bệnh nan y song vẫn nhiệt tình gửi các tác phẩm tham gia.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam trong việc tuyên truyền những sự kiện, vấn đề thời sự của đất nước.
Theo ông Đoàn, trong bối cảnh cả nước căng mình đẩy lùi đại dịch Covid-19, những tác phẩm này có tác dụng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân. “Những bức tranh cổ động mới ra đời trong thời gian gần đây với thông điệp đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã tiếp nối ý nghĩa của dòng tranh đặc biệt này trong việc cổ vũ tinh thần đoàn kết, kết nối sức mạnh cộng đồng trong những thời điểm khó khăn”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Quả vậy, ngày nay, dù các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ song mỗi khi có những sự kiện quan trọng, tranh cổ động lại cất lên “tiếng nói” riêng, đồng thời khẳng định được vai trò, ưu thế trong việc truyền tải những thông điệp quan trọng đến các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước.