Sau 5 ngày diễn ra tại Hà Nội, chiều 5/6, Hội sách thiếu nhi 2016 với chủ đề “Hè vui - Sách hay” đã khép lại. Từ một hội sách với nhiều hoạt động mở, người ta cũng nhìn rõ hơn sự đa dạng về chủng loại sách cho thiếu nhi hôm nay. Nhưng lạc giữa rừng sách ấy, người lớn sẽ không khỏi băn khoăn về định hướng đọc của các em hôm nay, về sự thừa và thiếu của những cuốn sách…
Trẻ em ở các đô thị “bơi” trong biển sách.
Bơi trong biển sách
Hội sách Thiếu nhi 1/6 được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể khẳng định trẻ em tại các thành phố lớn đang thực sự “bơi” trong biển sách. Sách dịch, sách của tác giả trong nước, sách in chính thống và cả sách lậu được xuất bản, bày bán ồ ạt mất kiểm soát. Trong đó, nhiều đầu sách có đến hàng chục, hàng trăm phiên bản. Mặt khác, cho dù các sản phẩm sách nhiều nhưng thực tế chính các bậc phụ huynh cũng rất khó có thể kiếm được những tác phẩm đặc sắc, phù hợp cho con trẻ.
Có thể thấy, nếu như những người ở các thế hệ trước đã say sưa về những cuốn sách hay và các tác phẩm văn học nổi tiếng- ở thời điểm đó, để có được sách đọc, mọi người phải tranh nhau, chờ nhau ở những thư viện hoặc trao đổi sách cho nhau.
Nhưng những hình ảnh ấy hiện dường như không còn tồn tại. Việc trẻ em hôm nay có quá nhiều phương tiện giải trí khác nên sách đã không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất. “Cuộc chiến” giữa văn hóa đọc với công nghệ nghe nhìn đang diễn ra hoàn toàn không cân sức. Chưa kể, sự khan hiếm của các tác phẩm văn học hay trong nước khiến độc giả nhỏ tuổi giờ đây phần nhiều phải tìm đến với các đầu sách dịch của nước ngoài.
Thế nhưng, dù “sống nhờ” thì các đầu sách dịch cũng chỉ mới đáp ứng ở yếu tố giải trí. Tìm mỏi mắt ngay tại các hội sách khó để có được những cuốn sách thật sự hội tụ được giá trị giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng tinh khôi cho tuổi nhỏ. Đơn cử, như tập thơ “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng vừa cho ra mắt độc giả được “tung hô” là có nội dung giáo dục trẻ nhỏ thông qua những vần thơ dí dỏm, gần gũi với cuộc sống. Thế nhưng, chỉ sau đó một thời gian tập thơ đã phải chịu khá nhiều chỉ trích trong dự luận xã hội. Trong đó, nhiều nhà thơ, nhà văn, nghiên cứu văn học cho rằng đây chỉ đơn thuần là một thương phẩm cho một thương vụ mà tác giả muốn “đánh bóng” tác phẩm của mình.
Thiếu tác giả viết sách
Lý giải về điều này, ông Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: Hàng năm có khoảng 300 triệu bản sách được Xuất bản. Trong đó, sách cho thiếu nhi chiếm tỷ lệ nhỏ. Đơn cử như chỉ tiêu 4 bản sách/ đầu người/1 năm được đề ra nhưng đến nay mới mới gần đạt con số này. Trong 4 bản sách đó có 1 nửa là sách giáo khoa và sách tham khảo của ngành giáo dục, nên sách thiếu nhi và văn học tỷ lệ rất thấp.
Chính vì vậy, mức độ hưởng thụ sách của thiếu nhi ít cũng là điều dễ hiểu. Cũng theo ông Doãn, việc thiếu sách thiếu nhi “made in Việt Nam” hiện nay còn bởi nguyên nhân các NXB mà không có các tác giả, cộng tác viên chuyên trách trong sáng tác ra các tác phẩm thiếu nhi. Nếu có, thì các tác giả hiện nay phần nhiều lại tập trung tạo ra các tác phẩm hấp dẫn về màu sắc, nhưng yêu tố giáo dục trong đó đôi khi hạn chế.
Đồng quan điểm, nhà văn Lê Phương Liên nhận định: Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được phong độ sáng tác, nhà văn Trần Đức Tiến cũng là một người viết cho thiếu nhi được các em hâm mộ. Người nữa có thể kể ra là nhà văn Nguyên Hương ở Đắc Lắc cũng là một người có nhiều tác phẩm được trẻ em yêu thích. Ngoài ra, có một số người viết tốt như nhà văn Phan Trung Thành, Quế Hương, Nguyễn Kim Hòa…
Trong khi đó, có một số tài năng văn học thiếu nhi thì bây giờ đã lớn lên, gia nhập vào lực lượng sáng tác trẻ như Ngô Gia Thiên An chẳng hạn; còn em nhỏ nào viết hay mà được gọi như thần đồng như nhà thơ Trần Đăng Khoa một thời thì chưa có. “Tôi nghĩ, lực lượng sáng tác nhỏ tuổi này, chúng ta phải từ từ và chờ đợi” - bà Liên nói.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ: Nền giáo dục và cách thức giáo dục hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến việc đọc sách của thiếu nhi. Trẻ em đã phải học đến quá tải chương trình, thời gian ngủ còn chưa đủ thì làm sao còn có thời gian đọc sách! Cách thức giảng dạy của giáo viên, tình yêu văn chương của các thầy cô cũng có tác động rất lớn đến việc thắp lên niềm đam mê với sách của trẻ. “Nếu cha mẹ quan trọng tủ rượu hơn tủ sách thì làm sao trách trẻ con không chịu đọc sách?” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.