Phát triển, lan toả giá trị và nét đẹp của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên vấn nạn sách giả, sách lậu đang có tác động rất xấu.
Trong hoạt động xuất bản hiện nay, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức như: In truyền thống, điện tử, trên không gian mạng...
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2022, các cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 127.051 xuất bản phẩm các loại, xử phạt hành chính 677.000.000 đồng (tăng 3% so với năm 2021).
Thống kê của Công ty cổ phần Sách điện tử Waka, gần 100 tấn sách với 400 đầu sách, 400.000 bản in lậu cùng các thiết bị in đã bị thu giữ (Thạch Thất, Hà Nội năm 2002), 90.000 cuốn sách giáo khoa giả (Thái Bình năm 2022), 7 tấn ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, trên nền tảng YouTube, nhiều kênh đăng tải sách nói vi phạm bản quyền.
Đối tượng làm giả không chỉ những cuốn sách mới và thu hút bạn đọc mà có những cuốn sách cũ đã xuất bản nhiều năm vẫn bị làm giả. Điển hình là cách đây ít lâu một độc giả đã mang theo 10 cuốn sách để xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Khi cầm trên tay chồng sách đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không thể ký tặng vì toàn bộ 10 cuốn đều là sách giả.
Chỉ riêng NXB Trẻ, hiện nay, hơn 300 đầu sách của đơn vị này đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% số sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho nhà xuất bản, hay nói cách khác là những đầu sách "nuôi sống" nhà xuất bản trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Luận - Giám đốc Bản quyền Công ty Công nghệ WeWe - chủ sở hữu ứng dụng sách nói Voiz FM nhận định, với sự phát triển của công nghệ 4.0, việc vi phạm bản quyền còn diễn ra nhanh và rộng hơn.
TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, người mua sách chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa đọc.
Việc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đã tác động xấu đến nhiều mặt từ thị trường kinh doanh xuất bản phẩm, đến định hướng phát triển văn hóa đọc và văn hóa tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó còn tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin, tri thức, niềm tin của độc giả khi mà những cuốn sách đó không được biên tập, thẩm định nội dung.
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, đã có những trường học mà sinh viên bị đánh trượt khi dùng sách giả, sách lậu vì họ đã trượt ngay từ nhận thức, vi phạm pháp luật khi mới bước chân vào nhà trường. Do đó, trong tuyên truyền, câu chuyện bắt đầu từ ý thức sử dụng sách, tài liệu trong các cơ sở đào tạo rất quan trọng.
Không chỉ tác động đến nhận thức của người tiêu dùng, việc sử dụng sách giả, sách lậu còn gây tổn hại cho lợi ích của tổ chức, cơ quan và cá nhân, cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý, tổ chức và thi hành pháp luật.
Để chấm dứt tình trạng xâm phạm bản quyền nghiêm trọng, phát hành sách lậu, sách giả tràn lan không thể chỉ trông mong vào độc giả mà cần sự chung tay của chính các nhà xuất bản và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước.
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả, các thư viện cần nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp về việc mua, bổ sung sách báo tài liệu, tài nguyên thông tin cho thư viện. Các thư viện khi mua, bổ sung sách báo, tài nguyên thông tin cho thư viện cần cân nhắc, trước khi có ý định mua sách giả, sách lậu trên thị trường về cho thư viện, đừng vì chút lợi ích vật chất - tiền bạc chiết khấu cao của sách mà mờ mắt, tặc lưỡi cho qua, cứ mua về kho thư viện, dẫn đến hệ lụy khó lường cho bạn đọc của thư viện.
Ông Nguyễn Nguyên- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng chế tài xử lý hành vi in sách lậu, sách giả vẫn còn nhiều điều bất cập, vì thế, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản để kịp thời bắt kịp với thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa. Việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay của toàn xã hội.