Nhiều trang viết của tác giả mô tả chuyện quan hệ trai gái với từ ngữ bị nhận xét phản cảm.
Cuốn sách "Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu".
"Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu" của Hoàng Anh Sướng phát hành hồi tháng 5. Mới đây, sách bị độc giả phản ánh có nhiều từ ngữ thô tục, không phù hợp với ngôn ngữ văn học, đặc biệt là một cuốn sách đề cập những quan niệm về Phật giáo.
Cuốn sách "Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu" "Trong câu chuyện Những cái chết rùng rợn, bi thương của một gia đình ba đời làm nghề đồ tể, tác giả trích nguyên lời nhân vật, trong đó gọi thẳng tên dân gian của bộ phận sinh dục nữ hay nói chuyện sinh hoạt vợ chồng, trai gái một cách tục tĩu", anh Tiến Thành, một độc giả ở TP HCM, cho biết.
Trước các nhận xét về cách hành văn của sách, tác giả Hoàng Anh Sướng lý giải tác phẩm là tập phóng sự được ghi chép từ những câu chuyện có thật. Vì vậy, anh trung thành với mọi chi tiết, sự kiện diễn ra ngoài cuộc sống. Ví dụ trong bài viết về gia đình đồ tể, anh dùng các từ để lột tả bản chất một đồ tể thô lỗ, ham mê nhục dục. Tác giả khẳng định đây là lời nhân vật, không phải văn phong của anh.
Tác giả Hoàng Anh Sướng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa là người viết lời giới thiệu sách. Nhà thơ nhận định nhiều sự việc trong câu chuyện của Hoàng Anh Sướng cần được gọi đúng bản chất. Theo ông, ranh giới "tục - thanh" rất khó phân định. Trong trường hợp này, tác giả sử dụng những từ ngữ miêu tả nhằm mục đích tốt, vì vậy, ông không phản đối.
Trước ý kiến cho rằng dù để lột tả bản chất nhân vật, các từ ngữ thô tục cũng không nên đặt trong cuốn sách mang yếu tố tâm linh, nhà thơ Trần Đăng Khoa phản biện: "Tập phóng sự của Hoàng Anh Sướng hướng đến Phật giáo chứ không phải sách Phật giáo". Nhà thơ nhận xét cuốn sách có sức cảm hóa và tính giáo dục cao.
Bà Thủy Anna - đại diện đơn vị phát hành cuốn sách - cho rằng những từ ngữ trên phù hợp khi được đặt trong bối cảnh toàn câu chuyện.