76 công trình được ghi nhận, tôn vinh trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021” là những công trình có ý nghĩa thực tế cao, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhiều sáng tạo đã góp phần trực tiếp vào công cuộc chống đại dịch Covid-19. Việc kịp thời tôn vinh những công trình khoa học ý nghĩa của các nhà khoa học và cộng đồng tạo thêm động lực để mọi người tiếp tục sáng tạo và cống hiến.
Tính thực tiễn cao
Đại dịch Covid-19 khó ngăn chặn bởi lây lan nhanh, nhất là do tiếp xúc gần. Ai cũng biết rằng, trong công tác phòng chống dịch, nếu hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, không gian có bệnh nhân thì nguy cơ lây lan sẽ giảm. Nhiều nước trên thế giới đã tạo ra những robot để chăm sóc bệnh nhân, phun khử khuẩn, đo thân nhiệt…
Với điều kiện khoa học công nghệ còn hạn chế, điều này tưởng như khá xa vời tại Việt Nam. Nhưng với mong muốn góp sức chống dịch, TS Đoàn Yên Thế (Trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội) đã cùng cộng sự bắt tay vào nghiên cứu một robot có khả năng hỗ trợ phòng chống dịch sao cho phù hợp điều kiện Việt Nam. Bằng nỗ lực của cả nhóm, chỉ sau một thời gian ngắn, robot đa năng TLU đã ra đời. Không chỉ có thể tham gia phòng, chống dịch bệnh, robot TLU còn có thể sử dụng để bảo vệ môi trường, hỗ trợ quản lý nhân sự.
Đoàn Yên Thế cho biết: “Robot đa năng TLU phòng chống dịch Covid-19 sử dụng điện năng lượng mặt trời, có khả năng tự động xịt dung dịch khử khuẩn, tự động đo thân nhiệt, có buồng UV khử khuẩn trên bề mặt tư trang, đồ dùng cá nhân. Do đó, rất thích hợp “làm nhiệm vụ” tại các phòng của bệnh viện, phòng cách ly, phòng làm việc đồng thời phun dung dịch hóa chất khử khuẩn ở phòng, hành lang và khuôn viên cơ quan, trường học, bệnh viện làm sạch môi trường”. Với những tính năng ưu việt này, robot TLU đã được ứng dụng tại các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện…
76 công trình được vinh danh là 76 giải pháp hữu ích thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y học, đến xây dựng, sản xuất nông nghiệp… Ấn tượng lớn nhất, chính là những giải pháp đều mang đến “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Nếu ai đã từng đi ra các đảo xa như Trường Sa, Lý Sơn…, hoặc một số vùng ven biển sẽ thấy vấn đề thiếu nước ngọt là hết sức nan giải ở nhiều địa phương. Hiện nay, các loại máy biến nước mặn thành nước ngọt được bán khá phổ biến. Nhưng mức giá cao, lên đến vài chục triệu đồng. Một gia đình thu nhập bình thường không thể tiếp cận được.
Nhóm tác giả Huỳnh Cảnh Thanh Lam đến từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã tạo ra Mô hình chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời.
Với mô hình này, khi đưa nước mặn vào bộ phận chưng cất và đặt ở vị trí hấp thu ánh sáng mặt trời tốt, nước được đun nóng bởi năng lượng mặt trời nhờ vào quá trình bức xạ nhiệt làm cho khối nước mặn này nóng lên và bốc thành hơi nước. Hơi nước bốc lên tiếp xúc với bề mặt tấm kính phía trên có nhiệt độ thấp hơn làm cho hơi nước ngưng tụ lại, tạo thành những giọt nước ngọt và chảy xuống máng thu theo đường ống dẫn nước ngọt ra bình chứa bên ngoài. Người dân chỉ cần đổ nước mặn vào, là có nước ngọt sử dụng.
Với kích thước tổng thể là 1×0,5×1,1 m, mô hình sử dụng hết sức thuận tiện, có thể đặt ở bất cứ đâu. Trong khi đó, giá thành chỉ khoảng vài triệu đồng.
Việc thương mại hóa mô hình này giúp nhà nhà có thể có nước ngọt sử dụng. Ngoài ra còn có hàng chục công trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua đưa ra giống mới, nâng cao chất lượng phân bón; hay những sáng tạo trong công nghiệp giúp cải thiện năng suất lao động, bảo vệ môi trường…
Thêm động lực cho sáng tạo
Việc tôn vinh kịp thời những tập thể, cá nhân, không phân biệt đối tượng đã góp phần động viên mọi người nỗ lực trong sáng tạo vì cuộc sống. Trong đó, không chỉ có các nhà khoa học chuyên nghiệp, hoặc các cơ quan nghiên cứu, rất nhiều công trình, nghiên cứu… được thực hiện bởi những doanh nghiệp, những nhà khoa học nghiệp dư, hay cả các em học sinh.
Năm nay, đã có 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ do các bộ, ngành, tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam cũng như các tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị. Từ đề xuất này, Hội đồng tuyển chọn đã tuyển chọn 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu và công bố trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021”.
Đáng chú ý, “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021” lần đầu tiên vinh danh 6 công trình sáng tạo khoa học tiêu biểu thuộc lĩnh vực xã hội-nhân văn, có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự động viên, kịp thời đem lại niềm phấn khởi, động lực cho sáng tạo cho những người làm khoa học, những doanh nhân, để họ tiếp tục cống hiên.
Với công trình “Nghiên cứu và áp dụng quy trình sản xuất ngói cao cấp bằng phương pháp nghiền khô”, Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ hợp Công ty cổ phần Gốm Đất Việt cho biết: “Hơn 10 năm qua, Gốm Đất Việt đã vượt qua từ khó khăn này đến khó khăn khác với tinh thần kỷ luật, đồng tâm, lấy khoa học kỹ thuật làm then chốt. Đến nay, 100% sản phẩm của Gốm Đất Việt đều là sản phẩm khoa học và công nghệ”.
Ông Nguyễn Quang Mâu khẳng định, Gốm Đất Việt sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hết mình để khát vọng làm nên những mốc son mới với mục đích làm cho nghề sản xuất gạch, ngói, đất sét nung ngày một vơi đi nặng nhọc, cán bộ công nhân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.