Sai luật lại muốn … công bằng

Đoàn Xá 17/02/2017 10:10

Thời gian gần đây, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ khi Bộ GTVT không chấp thuận đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và kết nối hoạt động hành khách theo hợp đồng của Công ty Uber. Mặc dù trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận cho một công ty khác là grap được triển khai ở nhiều tỉnh thành đề án thí điểm này. Vì thế, nhiều người cho rằng cơ quan quản lý có sự “thiên vị” hay thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn là như vậy bởi sau một thời gian dài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phía công ty Uber đến nay vẫn chưa chấp hành các quy định về pháp luật của nước ta. Nghĩa là, công ty vẫn cố tình lách luật giữa kinh doanh công nghệ và kinh doanh vận tải hành khách cá nhân công cộng (taxi) để nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền thuế . Hơn nữa, sau nhiều lần làm việc với cơ quan quản lý nhưng đơn vị này vẫn chây ì, chưa có ý thức hợp tác và chấp hành các quy định trong khi phía grap đã chấp thuận.

Ngoài ra, có một chi tiết khá thú vị là từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, Công ty Uber chỉ khẳng định là một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ phần mềm để gọi xe, chứ không phải kinh doanh vận tải taxi. Chính vì lý do này (và một phần do chưa có quy định rõ ràng của pháp luật) nên doanh nghiệp này từ đó đến nay vẫn chưa phải đóng các loại thuế mà các doanh nghiệp vận tải taxi khác đang phải chấp hành.

Thế nhưng, khi nhận thấy đề án ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và kết nối mà các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực triển khai có hiệu quả, phía uber đã xin được áp dụng. Thế nhưng, điều trớ trêu là đề án này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Vì thế, khi mà uber khẳng định không hoạt động trong vận tải taxi (để trốn thuế) nhưng lại xin được ứng dụng đề án này khiến nhiều người rất khó hiểu.

Vì thế, nếu muốn được hưởng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch với các ưu đãi và thuận lợi từ chính quyền thì chính bản thân doanh nghiệp phải có ý thức chấp hành các quy định trong lĩnh vực mình tham gia. Chỉ khi ấy hệ thống hành lang pháp luật mới bảo vệ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả mà thôi.

Có thể nói, từ khi xuất hiện và kinh doanh ở Việt Nam đến nay, Uber đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Một mặt doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ cho hàng ngàn khách hàng mỗi ngày, một mặt họ vẫn lách qua những kẻ hỡ quản lý hiện hành để trốn tránh nghĩa vụ của doanh nghiệp với cộng đồng. Vì thế, khi bị các đối thủ cạnh tranh lành mạnh, kéo giảm thị phần thì doanh nghiệp này lại tìm cách xin được… bảo vệ từ chính các cơ quan quản lý nhà nước. Thiết nghĩ, đây là hành động khó có thể chấp nhận đối với các doanh nghiệp hoạt động bền vững, trong bất cứ lĩnh vực nào, ở bất kỳ môi trường nào chứ không riêng trong hoạt động kinh doanh taxi như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai luật lại muốn … công bằng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO