Nhà thầu liên danh Thi công cơ giới – Indeco dù có dấu hiệu không tuân thủ quy định về pháp luật đấu thầu khi thi công Gói thầu số 8: Thi công nạo vét đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng, sông Cấm thuộc Công trình: Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2019. Đây là Gói thầu trị giá hơn 36 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước.
Đưa thiết bị 'ngoài luồng' thi công
Gói thầu số 8: Thi công nạo vét đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng (sông Cấm), Công trình: Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2019. Gói thầu được tổ chức theo Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi qua mạng trong nước; Phương thức đấu thầu: 1 giai đoạn/2 túi hồ sơ. Hình thức hợp đồng: Đơn giá cố định.
Gói thầu trên có 1 nhà thầu tham dự nộp Hồ sơ dự thầu (HSDT) là nhà thầu liên danh Thi công cơ giới - Indeco. Căn cứ HSDT, nhà thầu liên danh Thi công cơ giới – Indeco kê khai các thiết bị thi công bao gồm:
Các phương tiện thi công chính như: Tàu hút bụng HB 02, Máy đào gầu dây TCCG-88 (HP 4500), Sà lan VMS-N01 (HP 3469), Sà lan SG.7946, Máy đào gầu dây SG.6015, Tàu hút bụng HB 88, Máy đào gầu dây TCCG01 (HP 3465), Sà lan VMS-N02 (HP 3472), Sà lan HB Hải Thịnh 08 (HP 3424).
Các phương tiện dự phòng gồm: Sà lan Phương Nam 07 (HP 3415), Tàu hút bụng HB - 09, Tàu hút bụng Long Châu 02. Với các thiết bị huy động trên, nhà thầu liên danh Thi công cơ giới - Indeco được tổ chấm thầu đánh giá là “đáp ứng điều kiện về năng lực và kinh nghiệm”.
Căn cứ vào năng lực thiết bị thi công mà nhà thầu liên danh đề xuất tại HSDT nói riêng, ngày 25/07/2019, Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc phê duyệt nhà thầu liên danh Thi công cơ giới - Indeco trúng thầu Gói thầu số 8 với giá trúng thầu 36.293.447.294 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 89 ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi được Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc phê duyệt trúng thầu, nhà thầu liên danh Thi công cơ giới - Indeco lại đưa thiết bị thi công không thuộc HSDT (mà nhà thầu đã kê khai huy động trước) để thi công Gói thầu trên.
Cụ thể, nhà thầu liên danh Thi công cơ giới – Indeco bổ sung thiết bị tàu hút bụng Quê hương 09 (số đăng ký HP4325) – thời gian thi công dự kiến từ 20/11/2019 đến 31/12/2019; Ngoài ra, bổ sung tàu hút bụng Mỹ Dung 18 (số đăng ký SG-8056) – thời gian thi công dự kiến từ 25/12/2019 đến 31/12/2019.
Điều đáng nói, cả 2 phương tiện tàu hút bụng này lại không phải là thiết bị thi công được nhà thầu liên danh Thi công cơ giới – Indeco kê khai trong HSDT (bao gồm cả phần thiết bị thi công chính và thiết bị dự phòng).
Việc nhà thầu liên danh Thi công cơ giới – Indeco tự ý đưa thiết bị thi công không thuộc danh mục phương tiện thi công (bao gồm phương tiện chính thức và dự phòng) để thi công không chỉ vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu mà còn đi ngược với quy định về tiêu chuẩn đánh giá HSDT tại HSMT Gói thầu 08 do Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc phê duyệt trước đó.
Tiêu chuẩn đánh giá HSDT quy định tại HSTM (phần đánh giá năng lực thiết bị công quy định rất rõ: “Ngoài các phương tiện, thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu nêu trên, nhà thầu phải có các phương tiện thi công dự phòng thuộc HSDT để thực hiện gói thầu trong trường hợp phương tiện thi công chủ yếu gặp sự cố, có khối lượng phát sinh tăng ngoài khối lượng tại E-HSMT hoặc cần huy động bổ sung khi có yêu cầu của Chủ đầu tư”.
Ngoài ra, theo thông tin mà chúng tôi có được, HSDT của nhà thầu liên danh Thi công cơ giới - Indeco có dấu hiện gian lận khi kê khai sử dụng thiết bị tàu hút bụng HB 02 phục vụ thi công Gói thầu số 08 trong khi phương tiện này đang thi được huy động cho công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Thuận An năm 2019.
Điều mà dư luận khó hiểu vì sao Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc lại không làm rõ vấn đề trên khi đánh giá HSDT của nhà thầu liên danh trên.
Còn nhớ, liên quan tới những sai sót trong quá trình quản lý và thực hiện thi công các công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải, vào năm 2013, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã xác minh và kết luận công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Hòn Gai- Cái Lân và công trình nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu - Thị Vải không giám sát để cho các nhà thầu Công ty Bảo Quân, Ciwaco và Vinawaco không có phương tiện, nhân lực, kinh nghiệm thi công nạo vét luồng hàng hải, chuyển nhượng công việc cho các nhà thầu khác hưởng chênh lệch.
Chưa tổ chức đấu thầu đã biết trúng?
Điểm i, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 nghiêm cấm việc đưa nhãn hiệu của hàng hóa trong HSMT với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc sử dụng xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong HSMT với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi là hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Thế nhưng Gói thầu số 3: “Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của Cục Hàng hải Việt Nam để phục vụ cài đặt phần mềm dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hàng hải tham gia Cơ chế một cửa quốc gia”, (hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu rộng rãi”, Chủ đầu tư Cục Hàng hải Việt Nam đã phớt lờ quy định pháp luật đấu thầu khi nêu hàng loạt nhãn hiệu hàng hoá khi lập và phê duyệt HSMT gói thầu trên. Trong khi các yêu cầu kỹ thuật của hàng hoá chào thầu đã được quy định rất cụ thể tại HSMT.
Cụ thể, phần yêu cầu kỹ thuật của gói thầu, HSMT quy định: Đối với các loại máy chủ Proxy; máy chủ ứng dụng; máy chủ cơ sở dữ liệu; máy chủ backup: Chủng loại: HP DL380 Gen 10 8SFF CTO Server.
Đơn cử như đối với các loại máy chủ Proxy: Chủng loại: HP DL380 Gen 10 8SFF CTO Server: CPU Intel Xeon – Silver 4114; RAM: GBSingleRankx4 DDR4-2666; HDD: 1.2TB SAS 12G Enterprise 10K SFF; HPE Smart Array P408i-a SR Gen10.
Đối với các loại máy chủ ứng dụng: chủng loại: HP DL380 Gen10 8SFF CTO Server : CPU: 2 x Intel Xeon-Silver 4l 14; RAM: 2x32GBSingleRankx4DDR4-2666; HDD: 3 x 1.2T8 SAS 12G Enterprise 10K SFF (2.5in); HPE Smart Array P408i-a SR Genl0 (8 Internal Lanes/2GB Cache) 12G SAS Modular Controller…
Theo một chuyên gia đấu thầu, ngay cả với việc lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, theo hướng dẫn tại Mẫu số 05 (Bản yêu cầu báo giá) ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết, trong yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng. Cũng không được nêu nhãn hiệu khi có thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ. Huống chi với gói thầu mua sắm hàng hoá theo hình thức đấu thầu rộng rãi, nghiêm cấm việc đưa nhãn hiệu của hàng hóa trong HSMT (đã được quy định rất rõ trong Điều 89 Luật Đấu thầu).
Như vậy, việc đưa nhãn hiệu hàng hoá chào thầu tại HSMT của Cục Hàng Hải có “mục đích” gì?
Một chuyên viên của đại lý máy tính tại Hà Nội cho biết, nếu máy tính trong HSMT đã nêu thương hiệu HP DL380 Gen 10 8SFF CTO Server (hoặc tương đương) thì rất khó khăn cho các sản phẩm của thương hiệu mạnh khác. Bởi, các thông số như: CPU, RAM hay Card máy tính tính năng HPE Smart Array P408i-a SR Gen10 là đặc trưng của dòng máy chủ HPE của hãng máy tính HP. Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, thông số kỹ thuật hàng hoá trúng thầu và thông số kỹ thuật hàng hoá quy định tại yêu cầu kỹ thuật trong HSMT trùng nhau 100%.
Với những nghi vấn sai phạm trên, nhà thầu trúng thầu là: CTCP Đầu tư và Công nghệ Tân Hoàng Minh Phát. Giá đề nghị trúng thầu: 2.117.850.000 đồng.