Trong số 32 dự án Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp thông tin, tài liệu, có 4 dự án nằm trong hệ sinh thái của TTC Group.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Đáng chú ý, trong số 32 dự án nói trên, 4 dự án nằm trong hệ sinh thái của TTC Group bao gồm: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2; Nhà máy điện gió Ia Bang 1; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre.
Điện Gia Lai
Nhà máy điện gió la Bang 1 (50 MW) và Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW) do Công ty cổ phần Điện Gia Lai (MCK: GEG, sàn HoSE) làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, Nhà máy điện gió la Bang 1 được triển khai xây dựng vào tháng 10/2020 tại xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Sau 1 năm, vào tháng 10/2021, nhà máy đã hoàn thành và tiến hành đóng điện.
Dự án có tổng công suất lắp máy là 50MW. Sản lượng điện dự kiến khoảng 146.190 MWh/năm. Tổng vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng. Trong đó 660 tỷ đồng từ vốn góp của nhà đầu tư, 1540 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 305.598 m².
Còn Nhà máy điện gió VPL Bến Tre có địa chỉ tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Theo giới thiệu trên website của GEG, nhà máy này có công suất 30 MW, vận hành năm 2021.
GEG là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC Group, bao gồm thủy điện - điện mặt trời - điện gió.
Hiện, Điện Gia Lai sở hữu 12 công ty con trực tiếp, 5 công ty con gián tiếp và 2 công ty liên kết.
Thông qua các công ty thành viên, Điện Gia Lai sở hữu trực tiếp và gián tiếp sở hữu hàng loạt nhà máy thủy điện, nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió và hệ thống điện áp mái.
Về cơ cấu cổ đông, theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024 (đã soát xét) của GEG, doanh nghiệp này hiện cổ đông ngoại là Jera Asia Vietnam Holdings Pte. Ltd nắm 35,1% cổ phần.
Ngoài ra, nhóm pháp nhân thuộc hệ sinh thái TTC Group đang nắm giữ tổng cộng 43,22% vốn của GEG gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công nắm 16,79%, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa nắm 10,99%, Công ty cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre nắm giữ 6,33%; Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công nắm 3,83%.
21,68% vốn còn lại của Điện Gia Lai thuộc sở hữu của các cổ đông khác.
Năng lượng điện gió Tiền Giang
Về Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1, dự án được khởi công xây dựng trên diện tích 22 ha, thuộc xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông), xã Tân Thành, xã Tăng Hòa, xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông), xã Yên Luông (huyện Gò Công Tây) và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Dự án bao gồm các hạng mục: 24 trụ tuabin gió với diện tích khoảng 200 m²/trụ; Đường dây 35KV; Nhà quản lý vận hành và trạm biến áp 35/110KV với diện tích khoảng 3ha; Đường dây 110KV với diện tích móng cột khoảng 4,5 ha.
Tổng công suất lắp máy 100 MW. Với công suất như vậy, nhà máy dự kiến sẽ cung cấp sản lượng điện hàng năm lên đến 307,6 triệu kWh.
Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 có tổng vốn đầu tư lên đến 4.464,54 tỷ đồng. Trong đó, số vốn của nhà đầu tư chiếm 30%, tương đương 1.339,36 tỷ đồng; 70% số vốn còn lại là vốn vay ngân hàng, tương đương 3.125,28 tỷ đồng.
Còn dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ ngày 30/10/2021, góp phần cung cấp sản lượng điện trên 161 triệu kWh/năm.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 có công suất thiết kế 50 MW. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.242 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng và quản lý nhà máy sử dụng năng lượng gió để phát điện, hòa với lưới điện quốc gia; cung cấp nguồn điện bổ sung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và dự án điện gió Tân Phú Đông 2 là 2 dự án điện gió đầu tiên trên vùng biển của tỉnh Tiền Giang được đưa vào quy hoạch điện gió quốc gia và được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư.
Được biết, Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 cùng do Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang (Điện gió Tiền Giang) làm chủ đầu tư.
Điện gió Tiền Giang được biết đến là công ty con của Công ty cổ phần Điện Gia Lai.
Theo tìm hiểu, Điện gió Tiền Giang được thành lập vào tháng 10/2018.
Tại đăng ký thay đổi hồi tháng 9/2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Công ty CP Điện Gia Lai (9,15%); Hà Quốc Kiệt (9,085%); Châu Tiểu Phụng (72,68%); Lê Chí Linh (9,085%).
Ngày 20/4/2021, Điện gió Tiền Giang tiếp tục tăng vốn điều lệ lên mức 890 tỷ đồng nhưng chỉ sau một tháng lại bất ngờ điều chỉnh giảm vốn xuống còn 490 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Tháng 11/2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp này quay trở lại mức 890 tỷ đồng; đến tháng 5/2022 tiếp tục tăng lên 2.200 tỷ đồng và tăng lên mức 2.450 tỷ đồng vào tháng 11/2023.
Tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 1/2024), ông Hà Quốc Kiệt (SN 1976) là Giám đốc, đại diện pháp luật thay ông Nguyễn Phong Phú (SN 1984).
Mặc dù trong các công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp không thể hiện rõ cơ cấu cổ đông nhưng Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 (đã soát xét) của Điện Gia Lai, doanh nghiệp này nắm giữ 54,93% vốn điều lệ của Điện gió Tiền Giang (tính đến ngày 30/6/2024).