Tháng khuyến mại toàn quốc diễn ra hơn 2 tuần qua đã hấp dẫn người dân ở các thành phố lớn đổ xô đi mua sắm. Các trung tâm thương mại, nhiều dãy phố thời trang khá đông người. Tuy nhiên, theo phản ánh của không ít khách hàng, dù là khuyến mại nhưng vẫn phải nâng lên đặt xuống, vì đó là chiêu trò sale ảo... Điều đó có cả trên kênh bán hàng truyền thống lẫn thương mại điện tử.
Chen chân săn hàng giảm giá
Bắt đầu từ ngày 15/11, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022 khai mạc, kéo dài đến ngày 22/12 với mục đích kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,643 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù chịu áp lực từ lạm phát lên tiêu dùng nội địa, ngành bán lẻ vẫn được dự báo sẽ đạt được đà tăng trưởng tốt vào cuối năm.
Ghi nhận tại Hà Nội ngày cuối tuần, nhiều siêu thị: MM Mega Market, BRRG, Big C, Winmart… hay các trung tâm thương mại đều đậm sắc màu khuyến mại với cam kết giảm giá từ 30-50%, thậm chí là 80% cho các sản phẩm. Tại siêu thị MM Mega Market Thăng Long (236 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm), để thu hút người tiêu dùng, đơn vị đã bố trí gian hàng kích cầu Tháng khuyến mại. Bên trong siêu thị, hàng nghìn sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng như: Đồ gia dụng, thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến… giá đều giảm khá sâu. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Thăng Long thông tin, tham gia Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022, siêu thị triển khai rất nhiều chương trình khuyến mại với mức giảm giá từ 10 - 50% như mặt hàng thịt gà được giảm giá đến 31%, trái cây của các nhà cung cấp OCOP giảm giá tới 49%. Thông qua việc tham gia Tháng khuyến mại Hà Nội 2022, doanh thu của siêu thị tăng trưởng khoảng 20% so với thời gian trước đó. Đặc biệt, doanh số bán hàng online cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng 25 - 30% so với giai đoạn chưa triển khai Tháng khuyến mại Hà Nội 2022.
Dịp này, đến siêu thị MM Mega Market Thăng Long lựa chọn một số đồ gia dụng, trái cây và thực phẩm khô cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chị Lưu Thu Hường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Với hàng gia dụng, nhiều người tiêu dùng trong quá trình mua hàng khuyến mại đã ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng nội địa, bởi trong những năm qua nhà sản xuất trong nước đã nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt là sản phẩm OCOP với mặt hàng trái cây, đồ khô đảm bảo an toàn thực phẩm được khách hàng chọn mua với số lượng lớn.
Năm nay, gia đình chị Nguyễn Út Quyên (quận Ba Đình, Hà Nội) mua sắm quần áo đón năm mới cho các con sớm hơn thường lệ bởi theo dõi Tháng khuyến mại, chị biết giá đồ may mặc tại siêu thị Big C giảm tới 50%, mà toàn các thương hiệu có uy tín. Biết vậy nên ngày cuối tuần chị rủ cả gia đình đi sắm luôn quần áo và một số mặt hàng thực phẩm dành cho dịp Tết.
Tại TPHCM, tới ngày 30/11, sức mua đã tăng từ 30-40% nhờ loạt chương trình khuyến mại. Sở Công Thương TPHCM khẳng định, đợt khuyến mại này đã giúp người dân có thể tiết kiệm chi phí, đồng thời kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Số lượng chương trình khuyến mại được doanh nghiệp đăng ký tăng mạnh so với gần 4.000 chương trình ngày khai mạc. Đặc biệt, với dịp Giáng sinh, nhiều doanh nghiệp dự trù tăng gấp đôi lượng hàng với mức khuyến mại lớn. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TPHCM, không khí mua sắm cuối năm khá nhộn nhịp với hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá sâu. Các doanh nghiệp nhận định, đây là thời điểm khuyến mại lớn nhất năm, việc này cũng đã kích thích sức mua tăng mạnh. Năm nay, các chương trình khuyến mại cũng đến sớm hơn mọi năm và tập trung nhiều vào sản phẩm thiết yếu nhằm giúp người tiêu dùng được mua sắm Tết sớm.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, dịp mua sắm cuối năm nay được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp, địa phương kết nối sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trên cơ sở công tác chuẩn bị đầy đủ và trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp, tổng mức bán lẻ của Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 được kỳ vọng sẽ cao gấp đôi so với năm 2021. Trong năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình khuyến mại đạt khoảng 458,5 nghìn tỷ đồng.
Với vai trò là một trong những đơn vị chủ trì chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội 2022, ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) mong muốn đây thực sự là thời điểm để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tri ân với khách hàng tốt nhất qua đó kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm Việt Nam chất lượng cao thời điểm cuối năm. Đồng thời là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, kích cầu tiêu dùng. Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung cầu trong giai đoạn bình thường mới của Thủ đô.
Ở phía Nam, điểm khác biệt của chương trình năm nay, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thương mại điện tử là một trong những ưu tiên trong đợt khuyến mại lần này. Ngoài ra, TPHCM cũng vận động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khuyến mại những sản phẩm đang phân phối tại thành phố.
Còn với kênh truyền thống, Sở Công Thương TPHCM cho hay, để kích cầu tiêu dùng và tăng sức mua trên thị trường cũng như chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Sở Công Thương triển khai Tháng khuyến mại với chủ đề “Shopping Season - Rộn ràng mua sắm mùa Xuân” cũng như tổ chức Tháng khuyến mại quốc gia do Bộ Công Thương phát động. Chương trình thu hút nhiều nhóm doanh nghiệp tham gia gồm: Thương nhân chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, chợ, sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngay sau đó là chương trình khuyến mại Tết từ 23/12/2022 - 25/1/2023.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 được triển khai vào thời điểm này đã tạo ra một khoảng thời gian phù hợp đón trước dịp cuối năm để tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại. Từ đó, đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp.
Khuyến mại cần trung thực
Báo cáo của Nielsen cho thấy, thị trường Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều bởi khuyến mại, khi có đến 56% doanh thu được tạo ra từ chương trình khuyến mại. Do đó, việc các nhà kinh doanh có chiến lược đúng đắn về giá và khuyến mại là vô cùng cấp thiết. Dù vậy, thực tế thì niềm tin khuyến mại với người tiêu dùng đang bị lung lay ít nhiều, bởi vẫn còn tình trạng nâng giá lên đặt giá xuống, sale ảo, sale lừa dối khách hàng. Thực trạng này xuất hiện cả trên kênh bán hàng truyền thống lẫn thương mại điện tử. Như trong tối 25/11 vừa qua (ngày Black Friday), anh Nguyễn Hoàng Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy một cửa hàng bán giày trên phố Chùa Bộc treo biển giảm giá tới 80% nhưng vào xem và chọn sản phẩm lại thấy niêm yết mức giá giảm 10%. Các bạn bè của tôi cũng phản ánh tình trạng này diễn ra ở không ít cửa hàng, họ chỉ treo biển để thu hút người mua, chứ thực tế không phải làm giảm thật”.
Chị Nguyễn Ngọc Trà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc khi một thương hiệu thời trang nổi tiếng mà chị sử dụng nhiều năm qua thông báo giảm giá kịch sàn, sản phẩm thấp nhất có giá chỉ 399 nghìn đồng. Ngay sau khi nhận được thông báo, chị lập tức đi săn sale, nhưng tới nơi thì thất vọng khi chỉ một số mẫu đã rất cũ không phù hợp với thời tiết mùa đông được giảm giá, còn các sản phẩm mới hay mẫu bán chạy thì giá vẫn như ngày thường.
Ở góc độ pháp luật, với những chương trình giảm giá từ 60% đến 80% để thu hút khách hàng, nhưng khi khách hàng vào mua thực tế không phải giảm giá như vậy, hoặc những doanh nghiệp “treo đầu dê, bán thịt chó” lừa dối khách hàng. Cụ thể hành vi “Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng”, người thực hiện có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP), bị áp dụng biện pháp bổ sung là Buộc tiêu hủy tang vật và Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp". Mặt khác, khi thực hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động khuyến mại, tùy theo mức độ mà các doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, phạt bổ sung và bị đình chỉ hoạt động khuyến mại.
Vì vậy, khi người mua hàng nhận biết được các dấu hiệu vi phạm pháp luật của các chủ thể kinh doanh, cần thông tin phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan tới vần đề này, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, để thu hút được người tiêu dùng, quan trọng là phải khuyến mại thật sự chứ không phải kiểu tăng giá cao trước khi giảm và cơ quan quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ về hàng hóa, giảm giá… Nhất là trong bối cảnh sau dịch bệnh thì chỉ giảm giá thôi vẫn chưa đủ để kích cầu.
Ông Vũ Vinh Phú kiến nghị, Nhà nước cần xem xét kéo dài chương trình giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa sang năm 2023. Đồng thời giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương để phù hợp với đời sống hiện nay khi vật giá đã leo thang quá cao. Nói dễ hiểu là phải làm thế nào để giá hàng hóa xuống thấp, trong đó ưu tiên sản phẩm thiết yếu, thì người tiêu dùng mới có thể mua được hàng khuyến mại, giảm giá khi thu nhập lại đang sụt giảm. Đồng thời ông Phú lưu ý, các đơn vị cần làm ăn tử tế, khuyến mại trung thực, đối xử với khách hàng văn minh, chuẩn bị nguồn hàng tốt và báo cáo số liệu minh bạch. Mặt khác, hãy bán hàng khuyến mại, giảm giá như bán cho người thân của mình. Như vậy “chiến dịch” kích cầu tiêu dùng mới thực sự hiệu quả.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương): Hạn mức tối đa khuyến mại lên đến 100%
Năm nay, hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp, thay cho việc bị giới hạn ở mức 50%. Với điểm nhấn này, các doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp.
Đồng hành với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước trong chương trình sẽ là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
TS Huỳnh Thanh Điền - ĐH Kinh tế TPHCM: Áp dụng nhiều chính sách đồng bộ để kích cầu tiêu dùng
Để kích thích sức cầu trong nền kinh tế thì việc giảm giá hàng hóa chỉ là một giải pháp nhỏ và sẽ khó đạt mục tiêu, nhất là khi số người bị thất nghiệp được dự báo sẽ ngày càng tăng khi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn. Vậy làm thế nào để người dân có tiền để mua hàng hóa khi được khuyến mại, giảm giá? Tôi cho rằng, để kích cầu tiêu thụ nội địa thì Nhà nước phải áp dụng nhiều chính sách đồng bộ, như đẩy mạnh đầu tư công nhằm thúc đẩy tổng cầu chung của nền kinh tế, tạo công việc cho nhiều doanh nghiệp để người lao động không bị thất nghiệp, duy trì được thu nhập. Song song đó, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng để nhiều người có cơ hội mua sắm các loại hàng hóa có giá trị cao dịp cuối năm như: mua nhà, mua xe, mua ti vi… Đồng thời, giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân cũng cần được xem xét để góp phần thúc đẩy cầu tiêu dùng từ số lượng người đang đi làm công ăn lương hiện nay. Còn nếu như chỉ để các doanh nghiệp tự giảm giá hàng hóa thì sẽ không có nhiều kết quả, vì quan trọng nhất vẫn là thu nhập của nhiều người dân đã giảm sút và tâm lý co cụm, tiết kiệm cao hơn.