Từ 0h1 phút ngày 17/8, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chính thức áp dụng phương thức bay đi/đến tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng nhằm giảm tắc nghẽn nền không lưu, hỗ trợ công tác quản lý điều hành bay và nâng cao năng lực khai thác trong vùng trời kiểm soát tiếp cận.
Sân bay Đà Nẵng tăng năng lực cất/ hạ cánh nhờ tối ưu vùng trời.
Theo đó, phương thức đi/đến SID/STAR RNAV1 là công cụ tiền đề giúp giảm tải khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu và tổ lái, tăng cường an toàn hoạt động bay, tối ưu hóa khả năng thông qua của vùng trời hiện tại.
Khi tình hình hoạt động bay cho phép, kiểm soát viên không lưu sẽ chỉ dẫn, dẫn dắt tàu bay theo vệt bay ngắn nhất để tiếp cận hạ cánh hay tiến nhập vào đường hàng không liên quan.
“Phương thức mới giúp tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, giảm đáng kể lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế; tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời giúp tăng năng lực tổng thể khu vực sân bay Đà Nẵng lên từ 10% đến 15% so với trước khi chuyển đổi,” lãnh đạo VATM nhấn mạnh.
Hiện nay, sân bay Đà Nẵng có mật độ hoạt động bay khá cao, trung bình một ngày đêm có khoảng 230 lần chuyến cất/hạ cánh, ngày cao điểm lên tới 265 lần chuyến, dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.