Xã hội

Săn cá xương xanh trên biển Tây Nam

ĐOÀN XÁ 05/01/2025 13:51

Không chỉ là sinh kế của ngư dân vùng ven biển Tây Nam, gần đây nghề săn cá xương xanh (còn gọi là cá nhái) đã được người dân một số nơi như đảo Nam Du, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đưa vào các tour du lịch phục vụ du khách trải nghiệm với những điều hấp dẫn mới lạ. Những chuyến săn cá đêm mang tới nhiều trải nghiệm lý thú cho du khách.

Ảnh 3-Săn cá xương xanh trên biển Tây Nam
Những ngư dân săn bắt cá xương xanh ban đêm.

Theo chân người săn cá

Như đã hẹn từ trước, chúng tôi bước xuống chiếc ghe gỗ dài chừng 10 mét của ngư dân Nguyễn Văn Vinh, 59 tuổi lúc gần 8 giờ tối ở cầu tàu gia đình của đảo Nam Du (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) để bắt đầu chuyến săn cá xương xanh. Xin nói thêm cầu tàu gia đình thực tế là một trụ bê tông dài chừng bốn mét được ngư dân xây dựng ở phía trước vùng nước ven biển sau nhà.

Tại đảo Nam Du và một số đảo khác ở khu vực này, nhiều người dân vẫn xây dựng những cầu tàu nho nhỏ để neo đậu ghe tàu của gia đình do đặc thù mặt nước biển khu vực khá thấp. Riêng những tàu cá lớn thì phải neo đậu ở bến cảng của đảo do nhà nước xây dựng với quy mô lớn hơn rất nhiều. Ngoài anh Vinh còn có hai người nữa trong ấp cũng là ngư dân chuyên săn bắt cá xương xanh thời gian này.

Theo đó, tuỳ từng thời gian trong năm, từng mùa mà các anh sẽ lựa chọn để săn bắt và sử dụng những loại ngư cụ thích hợp. Với cá xương xanh, việc săn bắt khó khăn hơn do phải sử dụng ngư cụ đặc biệt hơn, thay vì lưới hay mồi câu thông thường. “Cá xương xanh là loài cá bơi ở vùng nước mặt. Chúng thường đi theo đàn kiếm ăn ở những bờ đá, khe đá có sóng nước mạnh. Điều đặc biệt khi câu cá xương xanh là không cần mồi thật (mồi ăn được) mà thường dùng mồi giả như câu mực hay mồi là lưới rối. Tuy nhiên mồi phải bắt mắt và dễ nhận biết thì chúng mới chịu đớp câu”, anh Vinh chia sẻ.

Ảnh 2-Săn cá xương xanh trên biển Tây Nam
Người dân câu cá ở Nam Du

Theo đó, mỗi tối anh Vinh sẽ điều khiến ghe chạy quanh khu vực đảo Nam Du, tới các bờ đá hay đảo nhỏ lân cận rồi bắt đầu thả lưới. Cũng như nhiều nghề săn hải sản ban đêm khác, ghe của ngư dân bắt buộc phải có đèn cao áp chiếu sáng để thu hút hải sản tìm tới. Các loại đèn này được duy trì bởi nhiên liệu là máy phát điện loại nhỏ.

Sau khi chạy khoảng nửa giờ đồng hồ, anh Vinh thả tàu trôi tự do và để máy nổ tạo ánh sáng, bắt đầu cùng hai người bạn thả câu. Mồi câu cá xương xanh của các anh là loại lưới phản quang sợi nhỏ nhưng được cuộn rối lại. Sau đó các nắm lưới này được quăng xuống mặt nước và kéo từ từ lại gần ghe.

Khi nhìn thấy những cuộn lưới đó, cá xương xanh sẽ lao tới để đớp mồi. Vì đây là loài hải sản có phần mũi rất dài và hàm răng sắc nhọn nên khi cắn phải cuộn lưới, chúng sẽ mắc lại đó. Càng vùng vẫy, cá càng bị mắc chặt răng và cuộn lưới này lại. “Có nhiều cách để bắt cá xương xanh này lắm.

Nhưng chúng tôi chỉ câu bằng lưới cuộn thôi. Lưới cuộn mình mua một lần, câu được cả mấy tháng vẫn còn. Mùa này cá bắt đầu nhiều nhưng chưa lớn. Cá xương xanh phải sau tết mới bự. Có con lên tới hai ký lô luôn. Cá bây giờ bán cũng chỉ gần trăm ngàn thôi. Thương lái thu mua ở đây rồi đem về Rạch Giá, Phú Quốc bán cho khách du lịch”, anh Trần Văn Thuận, 54 tuổi, vừa buộc liên tiếp 5 cuộn lưới rối vừa nói thêm.

Theo kinh nghiệm của anh Thuận, cá xương xanh ban đêm khó bắt hơn ban ngày nhưng hầu hết là loại lớn, ít có loại nhỏ. Mỗi dây lưới, anh thường buộc khoảng 10 mồi câu cách nhau chừng 3 mét. Sau khi ném ra mặt nước và rút dần dần lại để nhử cá, nhóm của anh còn cho ghe chạy từ từ.

Một đặc điểm khá kỳ lạ là nếu thấy mồi không di chuyển, cá rất hiếm khi đớp mồi nên các cuộn và dây lưới phải luôn chuyển động. “Mùa này không còn mưa nên biển êm, câu dễ lắm. Lưới chạy chạy là kiểu gì cũng có cá dính mồi. Mỗi ngày anh em chúng tôi kiếm được chừng chục ký lô, có hôm nào hên thì được mười mấy ký. Bán rồi chia nhau cũng được vài trăm ngàn mỗi đêm.

Thời gian sau tết thì cá lên giá lắm, nhất là cá lớn. Bởi khách du lịch rất thích cá này. Chúng có thân hình dài đặc biệt, mỏ cũng dài và sau khi chế biến thì thịt cá thơm ngon mà xương của chúng ánh lên màu sắc xanh ngọc rất đẹp mắt nữa. Hầu hết du khách đều thích thú với món cá xương xanh nướng thôi”, anh Thuận kể thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài dụng cụ lưới thì các thợ săn cá xương xanh còn có một chiếc vợt lớn để bắt cá. Khi chúng bị dính câu và được kéo dần dần về gần ghe và cây vợt sẽ đưa cá lên. Bởi cá xương xanh rất khoẻ và có mũi nhọn dài nên việc bắt chúng sau khi dính lưới cũng cần có kinh nghiệm và sự khéo léo.

Chừng gần một giờ đồng hồ ném lưới thì nhóm của anh Vinh bắt được gần mười con cá xương xanh. “Bây giờ nhiều ghe thả lưới cá xương xanh lắm nên mình phải đi nhiều hơn. Tuần trước ở bên bãi Cây Mến thì nhiều lắm, cá cũng bự hơn. Có lẽ giờ phải chạy sang phía hòn Cò, hòn Ông thì mới nhiều cá được”, anh Vinh thở dài nói thêm.

Không chỉ riêng ở Nam Du, nhiều hòn đảo nhỏ hoang sơ khác khu vực biển Tây Nam cũng chịu chung tình cảnh là khi đông đảo khách du lịch tìm tới thì đời sống người dân sẽ thay đổi theo hướng tích cực nhưng lượng hải sản sẽ ít đi do ghe tàu chạy nhiều, lượng chất thải đổ ra biển cũng khiến môi trường tự nhiên thay đổi, làm cho hải sản di chuyển đi nơi khác.

Ảnh 1-Săn cá xương xanh trên biển Tây Nam
Đặc sản cá xương xanh ở biển Tây Nam.

Thú vui của dân biển

Câu cá xương xanh hiện đang được nhiều người dân, khách du lịch thích thú trải nghiệm ở các đảo phía Tây Nam. Tuy nhiên, hầu hết các trải nghiệm này đều ở thời điểm ban ngày, thay vì đi câu đêm bởi sự an toàn của chuyến đi. Tại khu vực đảo Nam Du, việc khách du lịch tìm tới các cầu tàu, bãi đá ven biển săn tìm cá xương xanh là khá nhiều.

Nhưng khác với ngư dân chuyên nghiệp, câu cá xương xanh trải nghiệm ở ven bờ đá, cầu tàu thường là câu bằng mồi thật. Bởi người câu không thể di chuyển mồi liên tục như khi ở trên ghe tàu. Anh Đặng Thành Dũng, 42 tuổi, một cư dân ở đảo Nam Du cho biết vẫn thường chạy xe gắn máy ra cầu tàu, bờ kè ven đảo để câu cá xương xanh.

“Cá xương xanh ở đây nhiều lắm, chúng bơi nước mặt nên nhìn cũng thấy luôn. Tuy nhiên cá ở ven đây chỉ là loại nhỏ thôi. Cá lớn chỉ ở vùng nước sâu chứ không vào ven bờ đá đâu. Mình câu cá nhỏ cũng được. Hầu hết đều bỏ mối cho mấy nhà hàng trên đảo cả. Giờ khách du lịch tới đây nhiều, không có cá mà bán luôn”, anh Dũng cho biết.

Theo người dân địa phương, cá xương xanh di chuyển rất nhanh và linh hoạt nên ngoài việc thả câu, những nghề khác rất khó đánh bắt được chúng. Đó là nguyên nhân dù được nhiều người ưa chuộng và bán với giá khá cao ở đây nhưng các tàu khai thác chuyên nghiệp lại khó đánh bắt. Hoặc nếu đánh bắt được thì chất lượng cá cũng kém hơn khi câu rất nhiều. “Dân ở đảo thì sống dựa vào nghề biển thôi. Tôi không có tiền đầu tư ghe lưới nên mình câu ven bờ, cũng kiếm lai rai đủ sống”, anh Dũng chia sẻ thêm.

Ghi nhận của chúng tôi ở các bãi đá ven đảo Nam Du có rất nhiều người thả lưới câu cá xương xanh. Mặc dù chỉ là cá loại nhỏ dài chừng 30-40cm nhưng mỗi lần bắt được chúng cũng mang tới nhiều sự thích thú cho người câu. Thực tế, không chỉ ở Nam Du mà hầu hết các đảo khác như Phú Quốc, Hải Tặc, Bà Lụa… ở khu vực phía Tây Nam thời gian này đều xuất hiện rất nhiều cá xương xanh. Chúng không chỉ mang lại sinh kế cho cư dân địa phương mà còn là điểm nhấn khá lý thú với hàng trăm khách du lịch tới vùng biển này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Săn cá xương xanh trên biển Tây Nam