Trải qua 18 năm hoạt động, Hội thơ Đường luật Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển văn hóa nói chung, văn học của nước nhà nói riêng. Không những là sân chơi lý thú, bổ ích cho người cao tuổi, Hội thơ còn góp phần làm sâu sắc, phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng, xã hội.
Làm giàu kho tàng văn học
Hội thơ Đường luật Việt Nam là một tổ chức văn hóa, xã hội tự nguyện, tập hợp đông đảo những người yêu mến, giữ gìn, sáng tác và bảo tồn, nghiên cứu về Thơ Đường luật.
Đầu năm 2005, cố nhà giáo Nguyễn Văn Vang (tức nhà thơ Hoài Yên) đứng ra tập hợp một số CLB có xu hướng sáng tác thiên về thể thơ luật Đường, tạo một sân chơi trí tuệ, tao nhã, dựa vào Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam thành lập Câu lạc bộ UNESCO Thơ Đường Việt Nam và họp Đại hội lần thứ nhất do ông làm chủ nhiệm.
3 năm sau, CLB bầu ông Nguyễn Huy Đài làm chủ nhiệm thay nhà thơ Hoài Yên. Các thi hữu lão thành hồi ấy có sáng kiến hàng năm tổ chức luân phiên Ngày hội Thơ Đường toàn quốc tại các địa phương: Hà Nội, Huế, Khánh Hòa, Đồng Tháp...; xuất bản nhiều tập thơ theo thể luật Đường mang tên “Thắp sáng Đường thi”.
Năm 2010, CLB đổi tên thành Hội UNESCO Thơ Đường Việt Nam. Ngày 13/3/2011, Đại hội đại biểu lần thứ II tổ chức tại Hà Nội, có 245 hội viên tham dự, bầu BCH với 19 ủy viên do nhà thơ Kim Quốc Hoa làm Chủ tịch. Đại hội thông qua điều lệ, xây dựng chương trình hành động có những sáng tạo mới.
Cuối năm 2012, Hội chuyển về trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc (nay là Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hiện nay hội có 87 đơn vị trực thuộc với gần 3.000 hội viên chính thức. Còn số người sáng tác thơ Đường luật phải tính đến hàng chục nghìn người. Trên trang điện tử của Hội, chỉ tính riêng năm 2022 đã có hơn 15 nghìn người có thơ mới sáng tác được đăng.
Các hội viên tham gia sáng tác thơ Đường hầu hết là trí thức như nhà giáo, cán bộ công chức… Hội viên trong cả nước có khoảng gần 180 người từ 90 tuổi trở lên luôn theo đuổi đam mê sáng tác.
Sau 18 năm thành lập (2005 - 2023), Hội đã xuất bản khoảng 3.300 đầu sách do các nhà xuất bản trung ương, địa phương ấn hành. Trong đó có hơn 1.200 hội viên có sách thơ được xuất bản với gần 2.700 tập thơ Đường luật. Năm 2012, Hội thơ Đường luật Việt Nam được tổ chức Kỷ lục quốc gia xác lập kỷ lục về tập thơ Đường luật có số tác giả, số thơ và số trang lớn nhất. Hàng trăm hội viên đã sáng tác 1.000 bài thơ trở lên.
Sứ giả quảng bá, tuyên truyền văn hóa
Trong nhiều năm qua, hoạt động của Hội thơ Đường luật Việt Nam đã mang lại những giá trị về văn hóa, lan tỏa đời sống tinh thần trong cộng đồng, nhất là đối với người cao tuổi. Tổng số hội viên thì có 95% hội viên là người cao tuổi.
Cùng với thể thơ khác, thơ Đường luật mang tính bác học đã góp phần làm phong phú dòng chảy thi ca và nền văn học nước nhà. Đây được coi như một di sản văn hóa phi vật thể của đất nước mà nòng cốt là Hội thơ Đường luật Việt Nam. Thành tựu nổi bật của Hội Thơ Đường luật Việt Nam đã đóng góp vào nền văn hóa nói chung, văn học nói riêng của nước nhà, cho sự phát triển của ngành xuất bản và in, góp phần làm sâu sắc, phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng, xã hội.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học chia sẻ, những sáng tác của các hội viên thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam đa phần hướng vào những việc làm thiết thực như xây dựng nông thôn mới, lối sống văn minh lịch sự, định hướng mới… Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đã có những bài thơ viết về những khó khăn và cả những tấm gương trong công tác phòng, chống dịch. Đây cũng là một cách tuyên truyền tốt và hết sức lành mạnh.
Hàng năm Hội tiến hành tổ chức Ngày Hội thơ Đường luật Việt Nam, đó là những dịp để các hội viên, thi ca thi hữu có cơ hội gặp gỡ đàm luận văn thơ. Đặc biệt đây cũng là dịp để tuyên truyền đời sống văn hóa, ca ngợi đất nước, tình yêu cuộc sống. Chính vì thế mà các địa phương rất hồ hởi tạo điều kiện để Ngày Hội thơ Đường luật Việt Nam diễn ra thật ý nghĩa.
Phát biểu tại Ngày hội thơ Đường luật toàn quốc lần thứ XV tại Ninh Bình mới đây, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tin tưởng rằng, vẻ đẹp của vùng đất và con người Ninh Bình sẽ là nguồn cảm hứng để cho các nhà thơ sáng tác những tác phẩm đặc sắc, phản ánh những bước chuyển mình đi lên của địa phương, đất nước.
“Qua ngày hội thơ Đường luật, mỗi nhà thơ với tác phẩm của mình sẽ là một sứ giả văn hóa quảng bá tích cực, mạnh mẽ hình ảnh của Ninh Bình tới công chúng, người yêu thơ cả nước” - ông Thìn nhấn mạnh.
Trải qua 18 năm, Hội thơ Đường luật Việt Nam đã tạo được một sân chơi lành mạnh hướng đến những giá trị nhân văn của cuộc sống. Đem lại sự lạc quan, cho những người cao tuổi. Được biết, trong thời gian tới, để phát triển cũng như phát huy vai trò của Hội thơ Đường luật Việt Nam, bên cạnh thúc đẩy tăng cường hội viên sẽ có những trao đổi học thuật.