Cuộc thi “Sáng tác cùng Dế” vừa được phát động với định hướng tạo điều kiện để các em thiếu niên và nhi đồng trở thành những người kể chuyện thực thụ - không chỉ đọc, mà còn tham gia sáng tạo. Trong bối cảnh văn học nghệ thuật thiếu nhi đang dần bị lấn át bởi các loại hình giải trí hiện đại, sân này ra đời như một nỗ lực khơi gợi lại tinh thần sáng tạo của trẻ thơ…
Cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ
Thời báo Văn học Nghệ thuật vừa phối hợp với một số đơn vị tổ chức phát động cuộc thi “Sáng tác cùng Dế”, nhằm khuyến khích trẻ em sáng tác truyện ngắn dựa trên hình tượng nhân vật Dế Mèn. Các bạn nhỏ sẽ được thoả sức sáng tạo những câu chuyện thú vị thông qua bộ nhân vật như: Dế Mèn, Dế Trũi, Tổng Cóc... Với những bài dự thi được gửi về, các câu chuyện hay, đoạt giải của các bạn nhỏ sẽ được chuyển thể thành những thước phim hoạt hình sống động.
Cuộc thi không chỉ thúc đẩy khả năng sáng tác văn học của thanh thiếu nhi mà còn giúp các em phát triển tư duy ngôn ngữ, tiếp nối và làm mới văn học dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, góp phần tạo dựng thế hệ nhà văn tương lai của Việt Nam.
Điểm đặc biệt của cuộc thi chính là hình tượng Dế Mèn - nhân vật đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt từ khi tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài ra mắt năm 1941. Cuộc thi không chỉ phù hợp mà còn cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi thiếu nhi vẫn thiếu sân chơi dành cho sáng tạo văn chương.
Theo ông Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi , việc tổ chức Cuộc thi “Sáng tác cùng Dế” không chỉ phù hợp, mà còn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay - khi sân chơi dành cho sáng tạo văn chương của thiếu nhi vẫn luôn thiếu vắng.
“Với hình tượng giàu chất tưởng tượng như Dế Mèn, các em nhỏ sẽ có cơ hội phát huy tối đa trí tưởng tượng của mình. Các em có thể quan sát cuộc sống xung quanh, kể lại những câu chuyện bằng lăng kính trong sáng, ngây thơ nhưng cũng rất sâu sắc của trẻ thơ. Nếu được tổ chức bài bản, nghiêm túc và duy trì thường niên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn trẻ – những người thực sự trưởng thành từ chính sân chơi này” - ông Du nói.
Nhà thơ Lữ Mai cho rằng, những cuộc thi như thế này chính là sân chơi thú vị cho các em thiếu niên, nhi đồng, mang đến cơ hội thực sự để trẻ em tham gia vào quá trình sáng tạo văn học. Điều này vừa giúp các em phát triển kỹ năng viết, khuyến khích hình thành khả năng tư duy sáng tạo, phản biện và khám phá thế giới xung quanh qua ngòi bút. Bằng cách tham gia vào quá trình sáng tạo, các em sẽ được tiếp xúc với các hình thức nghệ thuật đa dạng, qua đó hiểu rõ hơn về cách thức một tác phẩm có thể chuyển tải cảm xúc và câu chuyện tới khán giả.
“Đây là sự kết hợp giữa việc học hỏi, sáng tạo và thực hành thực tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng văn học thiếu nhi Việt Nam, giúp các em vừa trở thành người đọc vừa đóng vai trò những người sáng tác đầy tài năng” - nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.
Sáng tác không phải là một cuộc đua
Điểm đặc biệt nhất của cuộc thi chính là khả năng biến những tác phẩm của các em thành phim hoạt hình chuyên nghiệp. Mỗi tháng, các tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn để chuyển thể thành phim ngắn và phát hành trên fanpage chính thức của phim điện ảnh Dế Mèn.
Theo NSND Vương Duy Biên - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, thế hệ nào cũng có những tài năng sớm, nhưng nếu không phát hiện, đầu tư và bồi dưỡng đúng lúc thì sẽ rất lãng phí. Cuộc thi này sẽ là nơi để những cây bút nhí, những người kể chuyện tương lai lần đầu tiên cất tiếng nói. Đây cũng là cách tiếp cận hoàn toàn mới, giúp trẻ em thực sự trở thành chủ thể sáng tạo, thay vì là người tiếp nhận bị động.
“Chúng ta cần tin tưởng vào trí tưởng tượng của trẻ thơ – đó là nguồn cảm hứng bất tận. Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận rất mới – để mở rộng nguồn chất liệu sáng tác, tạo ra nhiều kịch bản mới mẻ và xây dựng nên những nhân vật hoạt hình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam” - NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Theo nhà thơ Lữ Mai, chúng ta đang sống trong một thời đại số, nơi các em nhỏ tiếp xúc với nhiều loại hình giải trí đa dạng. Những phương tiện này có thể làm giảm thời gian các em dành cho sách vở và văn học truyền thống. Thay vì coi các phương tiện giải trí hiện đại như một yếu tố tiêu cực, chúng ta có thể sử dụng như nhịp cầu kết nối các em với văn học, thông qua việc sáng tạo và kể chuyện.
“Các em đừng ngại ngần thử sức với những ý tưởng mới, dù là những điều có vẻ kỳ lạ hay khác biệt. Chính những ý tưởng sáng tạo, độc đáo sẽ khiến câu chuyện của các em trở nên hấp dẫn. Hãy viết về những gì các em thực sự quan tâm, những câu chuyện gần gũi và đầy cảm xúc, từ đó thể hiện được cái nhìn riêng biệt của mình về thế giới. Đừng sợ thất bại, vì mỗi lần thử viết là một bước tiến quan trọng trong việc khám phá khả năng sáng tạo của bản thân. Sáng tác là một hành trình, không phải là một cuộc đua. Thư giãn, thoải mái và để trí tưởng tượng bay xa, đó là chìa khóa để các em phát huy tối đa khả năng sáng tác của mình” - nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.