Sân khấu kịch Lệ Ngọc vừa tổ chức lễ khởi công hai vở diễn đầu tiên của năm 2021 mang tên “Dế Mèn” và “Làm Vua”. Đây là hai vở diễn chuyển tải nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc của người Việt.
Trung thành với tiêu chí dàn dựng những vở diễn mang đậm dấu ấn văn hóa đặc biệt của Việt Nam, dễ tiếp nhận với các khán giả trẻ, khán giả nhí… và nhất là có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế, Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục đặt hàng các vở diễn mới, để ngay thời điểm vừa bình ổn, tổ chức ra mắt hai vở mới.
Theo đó, “Dế Mèn” sẽ được NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, một đạo diễn đang ở độ tuổi có nhiều tiềm năng sáng tạo, được đánh giá cao hiện nay. Kịch bản của tác giả Lê Chí Trung được phóng tác từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, tác phẩm nổi tiếng từng gắn bó tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt. Vở diễn là cuộc phiêu lưu kỳ thú của nhân vật Dế Mèn cùng những người bạn như: Dế Choắt, Dế Trũi, Xén tóc, Nhện,…
Từ một chú dế hung hăng và đầy kiêu hãnh, Dế Mèn rời xa gia đình và bắt đầu hành trình sống tự lập. Cậu đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều loài, thấy nhiều cảnh sống và cũng nhiều phen gặp gian nan, nguy hiểm, nhưng Dế Mèn không nản chí lùi bước… Khao khát được khám phá, trải nghiệm những miền đất mới của Dế Mèn đã đưa tới thông điệp “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, có cọ sát với thực tế, mới mau trưởng thành.
Quan trọng hơn, trong muôn vàn sự kiện mà Dế Mèn trải nghiệm, mỗi thất bại, mỗi thành công của Dế Mèn luôn có bóng dáng Dế mẹ cần cù tần tảo mà hết mực thương con, nhưng là một tình thương đầy lý trí, biết lúc nào nên để con tự lập, động viên để con mau khôn lớn.
Làm việc với kịch bản dựa trên một tác phẩm văn học đã quen thuộc, lại hướng đến đối tượng thiếu nhi, làm thế nào để vừa tạo ra sự mới mẻ, khác biệt để hấp dẫn các bạn nhỏ là thách thức không đơn giản. NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sẽ đưa vào nhiều yếu tố sáng tạo trong dàn dựng để chinh phục đối tượng khán giả nhỏ tuổi, sao cho vở diễn vừa vui nhộn, thú vị, vừa chuyển tải được ý nghĩa giáo dục sâu sắc và quan trọng nhất là phù hợp tâm lý tiếp nhận của trẻ em.
Gắn liền thông điệp bảo vệ môi trường và xu hướng tự do cho tuổi trẻ phát triển qua slogan: “Thế giới rộng lớn, tuổi trẻ bao la - Phải đi thật xa để hiểu: Thiên nhiên là nhà!”, Sân khấu Lệ Ngọc cùng Đại sứ môi trường toàn quốc, Chủ tịch Hội đồng trẻ em thành phố Hà Nội Nguyễn Như Khôi phát động Cuộc thi vẽ “Bí kíp luyện côn trùng” song hành với vở diễn “Dế Mèn” dành cho mẹ và bé. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 1/4 đến 7/5. Bên cạnh những giây phút vui vẻ và sáng tạo, cuộc thi còn đem đến những kiến thức về thế giới tự nhiên với nhiều giải thưởng hấp dẫn và giàu giá trị nhân văn cho bé và gia đình.
Vở thứ hai sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc đưa lên sàn là vở kịch lịch sử “Làm Vua” của tác giả TS Đăng Chương. Vở diễn khai thác thời kỳ vua Đinh, tái hiện rõ nét những câu chuyện xoay quanh vua Đinh Tiên Hoàng trong mối quan hệ hoàng tộc, triều chính và chốn hậu cung, cùng các nhân vật đã ghi danh trong lịch sử Việt như: Hoàng hậu Dương Vân Nga, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Đinh Quốc công Nguyễn Bặc, Nam Việt Vương Đinh Liễn và Công chúa Phất Kim… Mối quan hệ khá chằng chịt của triều đại đã mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập ở Việt Nam được tác giả chắt lọc khá tốt để qua đó làm bật lên chân dung về một vị hoàng đế cơ trí, có tầm nhìn thấu suốt trong tề gia, trị quốc.
Đạo diễn Lê Quý Dương, người được mệnh danh là “phù thủy” của các Festival, đã từng dàn dựng, đạo diễn các sự kiện, lễ hội lớn sẽ bắt tay dàn dựng vở diễn này. Có khá nhiều thuận lợi khi anh từng làm nhiều sự kiện lễ hội về triều Đinh và nước Đại Cồ Việt.
Đạo diễn cho biết, anh cảm thấy rất hào hứng khi được thử sức với kịch bản này, bởi đây là kịch bản hay, khó, đặt ra nhiều vấn đề lớn vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến hôm nay… Anh tin tưởng, nội dung sâu sắc của kịch bản, bài học về làm vua cũng chính là bài học về sự hi sinh của những người quản lý, những nhà cầm quyền để gìn giữ sự bình an cho muôn dân bách tính…