Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, sân khấu thiếu nhi đang có sự trở lại mạnh mẽ với hàng loạt chương trình biểu diễn vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 và hè 2022.
Cách nhìn mới về xiếc thú
Luôn tiên phong trong việc xây dựng các tiết mục dành cho thiếu nhi, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa chính thức cho ra mắt chương trình xiếc mang tên “Chúa tể rừng xanh”. Chương trình dài 75 phút, gồm 3 cảnh: “Ngày hội tranh tài”, “Lên ngôi Chúa tể”, “Ngôi nhà chung” kể về câu chuyện trong một khu rừng già, có rất nhiều loài muông thú sống chung.
Sự phân chia lãnh thổ và thức ăn của các loài luôn bị tranh giành, không có sự công bằng. Loài thú lớn bắt nạt các loài thú bé. Vì vậy, các loài thú đưa ra quyết định, hàng năm tổ chức ngày hội tranh tài chọn ra con thú nào mạnh nhất để làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu rừng và công bằng cho muôn loài…
Điểm đặc biệt của “Chúa tể rừng xanh” là nội dung được xây dựng dựa trên một bài học trong sách giáo khoa tiểu học, tạo nên ngày hội muông thú trên sân khấu xiếc. Nội dung của các tiết mục đều hướng tới việc đề cao lòng nhân ái, tình đoàn kết tạo nên sức mạnh thể hiện qua nghệ thuật xiếc thú.
Theo chia sẻ của NSND Tống Toàn Thắng - tác giả, đạo diễn của chương trình, trong mùa hè này, các nghệ sĩ muốn đem đến khán giả “nhí” một chương trình về muông thú, nhằm giúp các em hiểu biết thêm về các con vật, khả năng biểu diễn của chúng cũng như đề cao tình yêu động vật. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải tuân theo các công ước của quốc tế đã đưa ra về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc. Các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu xiếc.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi, gần gũi với con người, chúng được huấn luyện và dạy dỗ để thay thế các loại thú hoang dã trên sân khấu.
Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, trong điều kiện, môi trường xã hội, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, internet, điện thoại thông minh đã tác động rất nhiều tới thị hiếu, cách thưởng thức của trẻ em ngày nay.
Tuy nhiên không phải vì thế chúng ta không có phương pháp tiếp cận, mang tới cho trẻ em cách thưởng thức mới, phù hợp và mang tính tương tác trực tiếp cùng các con thú, sự hóa thân của các nghệ sĩ xiếc vào các bộ lốt thú hoang dã mà các em đã được biết qua phim ảnh, sẽ đem tới những cảm xúc mới, không kém phần hấp dẫn, tính giải trí và giáo dục cao.
“Đây cũng là hoạt động bước đầu để xây dựng thương hiệu nghệ thuật xiếc thú của Đoàn nuôi dạy thú, biểu diễn cho đối tượng học sinh các trường học, cố định vào thứ năm hàng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương. Nâng cao tính chủ động, tìm hướng phát triển mới cho nghệ thuật xiếc thú trong giai đoạn mới. Thay đổi cách diễn truyền thống với các loài thú, nâng cao tính nghệ thuật, tính nhân văn và thân thiện với môi trường” - ông Thắng nói.
Đa dạng các chương trình
Cùng với xiếc, các đơn vị sân khấu của Hà Nội cũng vừa cho ra mắt hàng loạt chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi. Trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam với dự án nghệ thuật đặc biệt “Mùa hè yêu thương”.
Dự án gồm vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, vở kịch “Cuộc chiến virus” và vở kịch “Vaxilixa và phù thủy độc ác”. Nhà hát Kịch Hà Nội với vở diễn “Hai viên ngọc thần” (còn có tên khác là “Sự tích dã tràng”). Vở diễn do NSND Tuấn Hải làm đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam.
“Hai viên ngọc thần” có sự tham gia của dàn diễn viên quen thuộc với khán giả “nhí” như Thanh Hương, Thiện Tùng, Tiến Lộc và màn khuấy động sân khấu của NSƯT Quang Thắng… Cũng lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, ê kíp của “giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng sẽ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi vở nhạc kịch “Ông lão đánh cá và con cá mập”.
Vở kịch sẽ chính thức ra mắt khán giả vào đầu tháng 6 này tại Nhà hát Âu Cơ được đánh giá có nhiều sự “đột phá” khi phát triển thêm những nội dung mới và đảo chiều theo kiểu “phản cổ tích” nhằm tạo ra “phiên bản” truyện cổ tích hiện đại.
Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vừa cho ra mắt dự án “Bữa tiệc nghệ thuật” với 2 vở diễn “Ngọc rồng” và “Húc - Cuộc chiến thuyền trưởng”. Đây là 2 vở diễn đều lấy cảm hứng từ những truyện tranh, phim hoạt hình, phim truyện được thiếu nhi yêu thích. Trong đó, vở diễn “Ngọc rồng” sẽ có sự góp mặt của 2 nghệ sĩ hài là Xuân Bắc và Tự Long.
Trước đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đã cho ra mắt chương trình “Âm vang đồng quê” như một lời chào khán giả sau 2 năm “đóng băng” vì đại dịch. Chương trình được dàn dựng công phu, tâm huyết, ấn tượng chỉ có ở ngôn ngữ múa rối như Trống hội, Hát văn, Hầu đồng... cùng các trò cổ, bản hòa tấu nghệ thuật rối nước được khắc họa như Đánh đu, Chọi gà, Múa rồng, Cày cấy, Đánh cáo bắt vịt… ngay sau khi ra mắt đã tạo được hiệu ứng tích cực với khán giả.
Có thể nói, sau một thời gian im ắng vì dịch bệnh, thời điểm này các sân khấu, đặc biệt là sân khấu dành cho thiếu nhi đang có sự trở lại mạnh mẽ. Điểm chung của các vở diễn dành cho thiếu nhi là không chỉ biểu diễn vào Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 mà còn “phủ sóng” trong suốt mùa hè.
Theo NSƯT Sỹ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ngoài việc đổi mới nội dung, sân khấu cho thiếu nhi còn được thiết kế, dàn dựng phù hợp nhằm thể hiện tối đa tính tương tác, trải nghiệm thực tế, thúc đẩy sự hứng thú, lạc quan, niềm vui và ước mơ của trẻ em.
Làm sao để mỗi lần xem kịch đều là cơ hội đặc biệt để nâng cao hơn nữa tình yêu thương, gắn kết giữa các bậc phụ huynh và con trẻ, giữa trẻ em và bạn bè, thầy cô, nối lại các mối quan hệ xã hội từng bị gián đoạn sau quãng thời gian nghỉ ở nhà do dịch bệnh.