Kinh tế

Sản phẩm OCOP vẫn khó vào siêu thị

T.Hằng 27/08/2024 07:03

Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ rằng, việc tiếp cận và đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

anhtren.jpg
Mở rộng thị phần tại các kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức đối với sản phẩm OCOP. Ảnh: M.H.

Vẫn khó đặt chân trên kệ siêu thị

Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.

Tham dự Tọa đàm “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị” diễn ra vào ngày 26/8, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin, trong thời gian qua, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục.

Theo đó, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tại hệ thống siêu thị, ông Hiệp cho rằng, hệ thống siêu thị cần có những hỗ trợ tốt hơn cho các chủ thể OCOP.

“Ngoài chiết khấu 0%, một số siêu thị đã tổ chức các tuần hàng, chợ phiên chuyên đề sản phẩm OCOP tại ngay khuôn viên siêu thị. Bên cạnh đó, các nhà phân phối, hệ thống siêu thị cũng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), các chủ thể, từ đó, các chủ thể OCOP biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, khả năng đáp ứng yêu cầu của siêu thị” - ông Hiệp nói.

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao chia sẻ, hiện HTX dịch vụ Đông Cao (Mê Linh) có diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Mặc dù TP Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của HTX chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển. “Để tiêu thụ sản phẩm, HTX đang phối hợp với DN Hàn quốc chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy rất mong cơ quan quản lý hỗ trợ HTX trong việc tiếp cận đối tác chế biến quốc tế” – ông Đua đề xuất.

Theo chia sẻ của bà Phan Uyên - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng (huyện Ba Vì, Hà Nội), với đặc thù sản phẩm của đơn vị sản xuất nhỏ nên chưa xây dựng được mã vạch. Trong khi đó, đây lại là yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa trong các siêu thị. Bên cạnh đó, sản phẩm đặc sản cần có nhân viên bán hàng chuyên trách để giới thiệu với khách, nhưng ở siêu thị thì khó bố trí. Việc thanh toán sản phẩm khi đưa vào các siêu thị cũng chậm hơn so với bán trực tiếp cho người tiêu dùng khiến việc quay vòng vốn của DN nhỏ khó khăn.

Chú trọng hơn vào khâu thiết kế

Nhiều ý kiến cho rằng, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, bên cạnh tập trung vào chất lượng sản phẩm, DN cần chú trọng đến thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng. Làm sao để thông qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho hay, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op có hơn 130 mặt hàng OCOP gồm trái cây, trứng gia cầm, mật ong, yến sào chưng đường phèn, bột rau củ các loại, nước màu dừa, tiêu, miến dong, bánh tráng, hạt điều… đến từ các HTX của TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kiên Giang...

Để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, theo bà Kim Dung, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, các HTX cần chú trọng hơn về chất lượng và thiết kế bao bì. Khi đạt được cả chất lượng và mẫu mã bắt mắt, sản phẩm sẽ gây được niềm tin cũng như kích thích thị hiếu của khách hàng. Bao bì, hình thức đẹp, bắt mắt sẽ thu hút khách hàng, khiến khách hàng tò mò và muốn tìm hiểu sản phẩm.

Để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Sở Công thương Hà Nội cho biết, sẽ hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường. Đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...), tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định cho các DN, HTX, hộ sản xuất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm OCOP vẫn khó vào siêu thị