Vốn đầu tư cho công nghệ nhiều, chi phí sản xuất cao, khó khăn về nguồn nguyên liệu là những rào cản khiến doanh nghiệp ngần ngại sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm hữu cơ. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho rằng, không đơn giản khi thực hiện sản xuất sản phẩm hữu cơ. Vị này cho hay, An Giang từng hỗ trợ cho 37,8 ha trồng lúa hữu cơ nhưng chỉ một thời gian phải từ bỏ.
Về phía Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, công ty đang tài trợ cho sản xuất gạo organic nhưng chi phí khá cao. Chi phí trả cho 1 kg gạo Vietgap là 12.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường cho nên gạo thành phẩm phải bán trên 30.000 đồng. Tương tự, nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tham gia bao tiêu sản phẩm từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Dự án đã đi được ba vụ, đạt được một số mục tiêu, nhưng theo ông Phạm Trung Kiên – Phó tổng Saigon Co.op, không có lời khi kinh doanh mặt hàng lúa gạo của dự án này. Cụ thể, giá gạo giống Jasmine 100 được bán tại hệ thống Saigon Co.op là 29.000 đồng/kg, trong khi giá tới kho đã hơn 27.000 đồng, chưa kể chi phí quản lý, chi phí giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới cho người tiêu dùng.
Nói về chi phí sản xuất sản phẩm hữu cơ mà cụ thể là gạo hữu cơ, không ít nông dân tính toán sản xuất lúa sạch năng suất kém hơn, chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với sản xuất lúa thông thường nên mặc dù giá bán cao hơn nhưng lợi nhuận lại thấp hơn. Đơn cử, năng suất lúa hữu cơ hơn 4 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg, nhưng do chi phí đầu tư cao (tổng chi phí là 3,2 triệu đồng/ha) nên lợi nhuận chỉ là 1,2 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, sản xuất lúa thông thường năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, giá bán khoảng 5.400 đồng/kg nhưng chi phí đầu tư thấp hơn nhiều (khoảng 1,7 triệu đồng/ha) vẫn có lời. Nông dân than sản xuất sản phẩm hữu cơ chi phí cao, nhà phân phối cho hay, bán sản phẩm hữu cơ lợi nhuận thấp, người tiêu dùng thì muốn mua sản phẩm tốt với giá mềm. Đây chính là nghịch lý kéo thị trường sản phẩm hữu cơ phát triển, mặc dù theo thống kê của một số hiệp hội khẳng định, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm xanh - sạch.
Hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho biết, theo thống kê, hiện có tới hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền để mua được các sản phẩm có chứng nhận đảm bảo xanh, sạch và nguyên liệu thân thiện môi trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, người tiêu dùng vẫn mong muốn mua sản phẩm xanh - sạch, chất lượng với giá cả phải chăng