Sản phẩm start up Việt: Thâm nhập thị trường khó tính

THANH GIANG 03/11/2023 06:45

Mặc dù phải đối diện với những khó khăn chung về hoạt động sản xuất kinh doanh, song không ít sản phẩm khởi nghiệp Việt đã tìm đường để xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Trong đó, nhiều sản phẩm có chứng nhận hữu cơ từ các thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của start up Việt được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Start up trẻ “đem chuông đi đánh xứ người”

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay nhiều doanh nông trẻ đã xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường lớn, thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ và khu vực như: Kim Hằng Yeshue với sản phẩm hũ gia vị bún bò chuẩn Huế, Ngọc Hương cùng các loại bột rau, Phạm Đình Ngãi với Mật hoa dừa, hạt điều Gia Bảo với sản phẩm từ điều…

Không đi theo hướng sản xuất từ những nguyên liệu mới, Mr Mướp là tên đại diện cho những sản phẩm có nguyên liệu từ phế phẩm và phụ phẩm xơ mướp. Mục tiêu phát triển sản phẩm này chính là tạo sự thân thiện môi trường, đồng thời đem lại giá trị kinh tế mới với nguyên liệu xơ mướp. Hơn 10 năm hình thành và phát triển, các sản phẩm như khăn lau nhà bếp, bông tắm... được thị trường tiếp nhận nhiều hơn.

Không chỉ phát triển thị trường trong nước, sản phẩm xuất phát từ nguyên liệu xơ mướp lên kế hoạch chinh chiến thị trường nước ngoài. Kết quả, những sản phẩm này đã xuất khẩu ổn định vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với các mặt hàng chủ lực hiện tại được làm từ xơ mướp là bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, bộ sản phẩm bông tắm... Đồng thời, sản phẩm cũng lên kệ của hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản. Theo ông Đỗ Đăng Khoa – đại diện Mr Mướp, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Để thực hiện kế hoạch này, Mr Mướp liên kết với nông dân phát triển vùng trồng và bao tiêu nguyên liệu. Việc này vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời tăng năng lực cung ứng cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.

Sau 7 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, một nhóm du học sinh quyết định về Việt Nam khởi nghiệp. Nhóm của Mai Thu Trang chuyên cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ Nhật Bản đưa những món ăn truyền thống như: bún bò Huế, phở bò, phở gà, bún riêu cua, miến măng gà, miến lươn, cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho riềng, cá nục kho tiêu, bò kho, cà ri gà… vào thị trường Nhật Bản. “Sở dĩ nhóm tự tin để đưa chuỗi sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản vì trong thời gian ở Nhật Bản, nhóm cũng đã nghiên cứu kỹ về thị hiếu, văn hóa, ẩm thực của người dân nơi đây. Với xu hướng tiêu dùng ngày nay là thực phẩm xanh, sạch, hạn chế phụ gia thực phẩm, đây là cơ hội để các nhà khởi nghiệp lan tỏa sản phẩm xuất Nhật đến người tiêu dùng Việt Nam” – trưởng nhóm Mai Thu Trang chia sẻ và cho hay, các sản phẩm của dự án hiện đã xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Nhật Bản, phủ sóng các chuỗi siêu thị lớn như: Yamadai, Satoku, 212 Kitchen Store, Aeon, Mom…

Hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm khởi nghiệp

“Có sự chuyển đổi rõ rệt trong cách tiêu dùng, trong đó ưu tiên các sản phẩm xuất phát từ tài nguyên bản địa. Điều này mở ra cơ hội quan trọng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Thúc đẩy sản phẩm mang tính bản địa ra cộng đồng, thậm chí là vươn ra thị trường thế giới” - ông Nguyễn Lâm Viên – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định.

Nói về thành quả start up của giới trẻ Việt, bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phụ trách chương trình “Khởi nghiệp xanh” khẳng định: “Chúng ta đang xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ giỏi về nhiều mặt từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp với các bạn trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đã được hình thành. Đây chính là lớp doanh nông trẻ tiêu biểu trong cả nước với đam mê cháy bỏng làm giàu từ nguồn tài nguyên, đặc sản bản địa”. Theo bà Kim Anh, điều đáng mừng, các start up đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Mong muốn sản phẩm khởi nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, BSA đã có những hỗ trợ cụ thể. Theo đó, việc hỗ trợ doanh nông trẻ phát triển sản phẩm chất lượng để xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính, BSA cũng khuyến khích doanh nông trẻ tham gia chương trình của các hệ thống siêu thị quốc tế ở Việt Nam. Đơn cử như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phối hợp với Central Group tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan từ năm 2017 đến nay, hay đưa hàng vào hệ thống Gigamall, Uniqlo,... Đại diện BSA thông tin thêm, thời gian qua đơn vị liên tục xúc tiến hàng hóa tại các hội chợ quốc tế nhằm tìm kiếm thị trường, tìm hiểu xu hướng sản phẩm mới của thế giới. Cùng với đó là các chương trình kết nối online vào thị trường Úc, Hàn Quốc, Hà Lan...

Bà Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE) cũng cho biết: “Tham dự hội chợ Thaifex 2023 mới đây, tôi nhận ra rằng, đưa hàng sang Thái Lan không đơn giản, do đó hàng Việt xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Trung Quốc... càng khó hơn. Thế nhưng, doanh nghiệp không thể bỏ qua những thị trường này. Ngay lập tức chúng tôi liên hệ với các đầu mối ở các thị trường này, sắp tới sẽ có các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm start up Việt: Thâm nhập thị trường khó tính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO