Thời điểm này, học sinh từ tiểu học đến THCS, THPT ở nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu tựu trường đón năm học mới 2017-2018. Thông tin từ Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm học này toàn TP có hơn 1,6 triệu học sinh, tăng hơn 59.000 em so với năm học trước.
Còn theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2017-2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục thủ đô là tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tại những địa phương miền núi phía Bắc chịu tác động nặng nề của trận mưa lũ vừa qua, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng rất khẩn trương.
Thời điểm này, học sinh từ tiểu học đến THCS, THPT ở nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu tựu trường đón năm học mới 2017-2018. Lễ khai giảng sẽ được tổ chức ngày 5/9.
Dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Trường Mầm non Hoa Lan (thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái) sau lũ.
TP HCM: Đảm bảo 100% học sinh đủ chỗ học
Trong ngày đầu tiên tựu trường 14/8, hơn 1 triệu học sinh TP HCM và các bậc phụ huynh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi trở lại trường sau thời gian nghỉ hè hoặc lần đầu đến trường mới với các lớp đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10.
Chị Nguyễn Thanh Phương, có con năm nay bắt đầu vào lớp 1 Trường Tiểu học Điện Biên (Quận 10, TP HCM) cho biết, đã xin nghỉ làm cả buổi sáng để cùng con đến trường giúp bé khỏi bỡ ngỡ.
Vì trường được xây dựng gần nhà nên từ trước đó, chị đã nhiều lần đưa con đến làm quen với khung cảnh trường mới. Tuy nhiên, đây là con đầu lòng và ngôi trường cũng mới đi vào hoạt động năm đầu tiên nên chưa thể học hỏi kinh nghiệm từ các bạn đi trước.
Nhưng với sĩ số lớp không quá đông (30 bé) như các trường điểm trong nội thành nên chị rất hi vọng con có được môi trường phát triển hài hòa, nhận được sự quan tâm tận tình của các thầy cô đứng lớp.
Theo Sở GD&ĐT TP HCM, năm học này toàn TP có hơn 1,6 triệu học sinh, tăng hơn 59.000 em so với năm học trước. TP sẽ đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới.
Điều này giúp đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn TP có đủ chỗ học, trong điều kiện trang thiết bị dạy và học được đảm bảo.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, trong tuần đầu tiên nhập học, các trường tập trung tổ chức các hoạt động đầu năm học, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, ổn định tình hình các lớp, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết trong trường, nề nếp học tập cho học sinh.
Chương trình học sẽ bắt đầu từ ngày 21/8. Riêng cấp học mầm non sẽ nhập học và khai giảng đồng loạt vào ngày 5-9 tới.
Hà Nội: Tăng học phí, lo khoản thu đầu năm
Tại Hà Nội, theo kế hoạch thời gian năm học, ngày tựu trường các cấp học, ngành học sớm nhất ngày 1/8, muộn nhất ngày 25/8.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, hầu hết đến thời điểm này các trường đều đã đón học sinh mới để ổn định sĩ số lớp, rèn nề nếp cũng như để học sinh các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 làm có thời gian làm quen với môi trường học tập mới.
Anh Nguyễn Thanh Lâm (KĐT Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) có con đang theo học lớp 5 trường Tiểu học Tứ Hiệp, Thanh Trì cho biết từ đầu tháng 8, con đã đi tựu trường.
Khác với khái niệm trước đây là con đi “học hè”, hiện nay con chỉ đến trường tuần 1 buổi nên chủ yếu mới làm quen với trường lớp, ôn lại kiến thức cũ, nhà trường hoàn toàn chưa dạy chương trình mới.
Điều này giúp các con có thời gian “khởi động” phù hợp sau hơn 2 tháng nghỉ hè trọn vẹn, không bị “sốc tâm lý” vì đã quen tự do về giờ giấc, nề nếp khi ở nhà.
Trao đổi về vấn đề các khoản thu đầu năm học, anh Lâm cho biết, nhà trường chưa có thông báo chính thức về mức đóng góp là bao nhiêu.
Tuy nhiên, về học phí thì cô giáo chủ nhiệm cũng nhắc trước với các bậc phụ huynh là theo dõi bảng thông báo của nhà trường vì từ năm học 2017-2018, mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập tại Hà Nội sẽ tăng theo quyết định được HĐND TP Hà Nội thông qua trước đó, lên 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng so với năm học trước).
Theo anh Lâm, việc tăng này không quá cao và chấp nhận được với thu nhập của gia đình. Hy vọng, các khoản thu đầu năm học khác vẫn tương đương so với các năm trước, không bị “té nước theo mưa”.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2017 – 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục thủ đô là tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Trong đó, đối với khu vực nội thị, quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất.
Đặc biệt, việc tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư sẽ được chú trọng để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Tập trung khắc phục ở vùng lũ
Trong khi đó, tại tỉnh Điện Biên, duy nhất học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tựu trường ngày 14/8, GDTX ngày 28/8 còn các trường của tất cả các cấp học khác sẽ tựu trường vào ngày 21/8.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề của trận mưa lũ vừa qua, nhiều cơ sở giáo dục của huyện Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Nhìn những ngôi trường bị xuống cấp, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra, các trang thiết bị phục vụ cho học tập vốn thiếu thốn nay càng ít ỏi hơn do bị lũ cuốn trôi khiến lãnh đạo nhiều trường lo lắng không biết xoay xở ra sao khi năm học mới sắp cận kề.
Cùng chung nỗi lo như trên, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái cũng đang phải căng mình để khắc phục hậu quả, sửa chữa cơ sở vật chất các nhà trường bị ảnh hưởng bởi đợt lũ quét vừa qua.
Theo khung kế hoạch, các trường trên địa bàn sẽ tựu trường sớm nhất là ngày 15/8 nhưng nhiều cơ sở giáo dục bị hư hỏng nghiêm trọng, khó có thể kịp đón học sinh đúng hẹn.
Như một số trường Mầm non Hoa Lan, Trường Tiểu học và THCS Võ Thị Sáu, Trường THPT Mù Cang Chải (thị trấn Mù Cang Chải) bị cuốn trôi nhà vệ sinh công cộng.
Đặc biệt điểm trường mầm non bản Tàng Ghênh (xã Lao Chải, thị trấn Mù Cang Chải) bị cuốn trôi hoàn toàn. Mặc dù đã được chính quyền địa phương, các đơn vị tập trung dọn dẹp, khắc phục hậu quả nhưng với thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, nỗi lo về một năm học mới với đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập phù hợp cho những học trò vùng cao vẫn còn thường trực ở đó.
Nói như lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, mặc dù toàn tỉnh cũng như ngành giáo dục nói riêng đang tập trung khắc phục hậu quả để chuẩn bị cho năm học mới nhưng trong một thời gian ngắn để huy động được nguồn lực lớn như vậy không dễ, cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước có thông tin về những thiệt hại để tiếp nhận những khoản giúp đỡ, tài trợ nhanh chóng hỗ trợ ổn định vào năm học mới.
Khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị cho năm học mới 2017 - 2018 Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT Yên Bái, Sơn La, Điện Biên tập trung dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2017 - 2018. Bộ đề nghị các Sở phối hợp với các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng khắc phục cơ sở vật chất trường, lớp học bị hư hại sớm đưa vào hoạt động phục vụ khai giảng. |