Nước chủ nhà SEA Games 32 đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho một kỳ Đại hội với nhiều dấu ấn đặc biệt. Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã chính thức làm lễ xuất quân tham dự SEA Games 32 với quyết tâm duy trì và khẳng định vị thế của thể thao nước nhà trong Top đầu khu vực.
Những quyết định đặc biệt
Campuchia ước mơ làm nên lịch sử thể thao mới của đất nước mình khi đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32- năm 2023. Ngay sau khi nhận quyền đăng cai từ Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á và chính thức nhận cờ tại lễ bế mạc SEA Games 31 tại Việt Nam, Campuchia đã đầu tư mạnh về cơ sở vật chất cũng như nhân lực cho ngày hội thể thao này. Campuchia chi hơn 200 triệu USD (tương đường 4.600 tỷ đồng) để tổ chức SEA Games và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games).
Theo chia sẻ từ Chủ tịch Ủy ban Olympic Campuchia, nước chủ nhà đã huy động tới khoảng 24.000 người cho công tác an ninh. Trong số đó có hơn 5.000 cảnh sát và khoảng 3.000 nhân viên y tế. Lễ khai mạc và bế mạc đã được khoảng 1.000 nghệ sĩ cùng khoảng 2.000 vận động viên miệt mài tập luyện để có một màn trình diễn hoành tráng. Khoảng 5.000 tình nguyện viên đã được tập huấn để tham gia hỗ trợ cho SEA Games 32. Ngoài ra, Ủy ban tình nguyện quốc gia Campuchia cũng tuyển chọn ra 2.000 tình nguyện viên nhằm phục vụ cho SEA Games lần này.
Nước chủ nhà đã và đang làm tất cả những gì có thể để khiến SEA Games 32 trở nên đặc biệt. Họ muốn thông qua SEA Games 32 để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Campuchia hào hoa, thân thiện và mến khách.
Campuchia trở thành nước chủ nhà đầu tiên trong lịch sử SEA Games làm điều đặc biệt đó là: miễn phí tiền vé, đài thọ toàn bộ chi phí lưu trú, ăn uống và di chuyển nội địa cho các đoàn thể thao dự sự kiện cũng như không lấy tiền bản quyền truyền hình.
Ước tính, Campuchia phải chi hơn 500.000 USD/ngày để đài thọ cho các đoàn vận động viên nước ngoài đến tham dự Đại hội. Ngoài miễn phí ăn ở, nước chủ nhà Campuchia cũng tuyên bố miễn phí toàn bộ vé vào xem lễ khai mạc - bế mạc và các cuộc thi đấu tại SEA Games 32. Đáng chú ý, học sinh, sinh viên của nước chủ nhà Campuchia sẽ được nghỉ học trong thời gian diễn ra SEA Games 32. Không chỉ vậy, Bộ Y tế Campuchia mới đây đã công bố kế hoạch cung cấp dịch vụ y tế và cấp cứu miễn phí cho các vận động viên SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12.
Thông qua SEA Games 32, Campuchia muốn giới thiệu hình ảnh của đất nước, con người ra với thế giới. Vì thế, họ không quá chú trọng chuyện bán vé, bản quyền truyền hình...
"Campuchia đã làm điều chưa từng có trong lịch sử các kỳ SEA Games. Một dấu ấn quá đặc biệt, thu hút sự chú ý đặc biệt qua một loạt những quyết định đặc biệt. Khán giả, giới truyền thông và tất cả những ai quan tâm đến SEA Games 32, ASEAN Para Games 12 đều rất bất ngờ với BTC. Campuchia miễn phí ăn ở và đi lại nội địa cho các đoàn, là nét mới, chứng tỏ nước chủ nhà đã vô cùng nỗ lực.
Chắc chắn, công chúng không chỉ ở Đông Nam Á mà có thể còn của thế giới sẽ bị thu hút bởi sự kiện vô tiền khoáng hậu này. Campuchia sở hữu những di sản tuyệt vời, và vốn là địa chỉ du lịch quen thuộc của bạn bè quốc tế. Nay các quyết định của BTC SEA Games 32 càng giúp Campuchia kích cầu được du lịch. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, Campuchia sẽ tổ chức thành công hai đại hội, để lại dấu ấn sâu sắc", bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao chia sẻ.
Việt Nam nỗ lực duy trì và khẳng định vị thế
SEA Games 32 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 5/5 và kéo dài đến ngày 17/5. Các vận động viên sẽ tranh tài ở 37 môn thể thao khác nhau. Trong khi đó, ASEAN Para Games 12 sẽ diễn ra từ ngày 3-9/6, với 13 bộ môn thi đấu.
Đoàn TTVN tham dự SEA Games 32 với 1.003 thành viên, trong đó có 702 vận động viên, 189 huấn luyện viên, 10 chuyên gia thi đấu 31 môn thi ở 446 nội dung. Mục tiêu của Đoàn TTVN là giành 90-120 HCV và đứng trong top 3 nước đứng đầu SEA Games 32, duy trì thứ hạng cao ở các môn thể thao Olympic đồng thời quyết tâm bảo vệ thành công ngôi vô địch của 2 đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ.
“Đoàn TTVN đã sẵn sàng, các vận động viên đã sẵn sàng và chúng tôi luôn tự ý thức được sứ mệnh của mình là vì "màu cờ, sắc áo", vì trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
TTVN đặt mục tiêu Top 3 ở SEA Games 32 sẽ là thách thức không hề nhỏ khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng củng cố lực lượng, sẵn sàng cho cuộc đua tranh khốc liệt. Ngoài ra, việc nhiều môn thế mạnh của TTVN bị loại bỏ phần nào ảnh hưởng đến thành tích, khiến cuộc cạnh tranh huy chương trở nên khó khăn.
Chủ nhà Campuchia đã chốt danh sách 37 môn thi đấu ở SEA Games 32, nhiều hơn 1 môn so với dự kiến ban đầu. Trong danh sách có thể kể tới những môn như: Điền kinh, bơi, bóng đá, karate, vật, pencak silat, đấu kiếm, bi sắt, judo, taekwondo…
Đáng chú ý, trong số 37 môn thi đấu, các môn thể thao trong chương trình Olympic như bắn cung, bắn súng, canoeing, rowing... không xuất hiện ở SEA Games 32. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thành tích của Đoàn TTVN bởi những môn thể thao trên đều là thế mạnh. Ở SEA Games 31, điền kinh và các môn võ, bơi lội là “mỏ vàng” của TTVN.
Tuy nhiên tới SEA Games 32, điền kinh vắng khá nhiều hy vọng vàng như Quách Thị Lan, Khuất Phương Anh, hay Nguyễn Văn Lai (dự kiến chuyển sang thi đấu cự li marathon) nên đứng trước thách thức rất lớn trong việc bảo vệ ngôi vị số 1. Tham dự SEA Games 32, đội tuyển điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 14 HCV.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, niềm hy vọng vàng của đội tuyển điền kinh Việt Nam vẫn đặt vào vận động viên Nguyễn Thị Oanh - ứng cử viên sáng giá ngôi vô địch các nội dung 1.500m, 5.000m và vượt chướng ngại vật 3.000m. Ngoài ra, một số gương mặt khác cũng được kỳ vọng mang về HCV cho điền kinh Việt Nam như: Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào nữ), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp nữ), Phạm Thị Hồng Lệ (10.000m nữ)... Bên cạnh đó, là các gương mặt vận động viên trẻ: Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà (800m nữ), hay Lê Tiến Long (3.000m nam)…
Tại SEA Games 32, môn bơi tiếp tục được kỳ vọng là một trong những "mỏ" HCV của TTVN. Tham gia tất cả 39 nội dung với 24 VĐV, Ban huấn luyện và các tuyển thủ đặt mục tiêu giành từ 8-10 HCV. Hiện các VĐV vẫn chăm chỉ luyện tập, trong đó có 8 VĐV tập huấn tại Hungaria; số còn lại luyện tập trong nước.
Tại SEA Games 32, các môn bắn cung, bắn súng, đua thuyền và một số môn võ cũng bị loại khỏi nội dung thi đấu Đại hội. Đáng tiếc nhất là trường hợp bắn súng, vốn là môn Olympic nhưng cũng không nằm trong chương trình thi đấu. Tại SEA Games 31, bắn súng đem về 7 HCV cho Đoàn TTVN.
Nếu bóng đá nữ vẫn duy trì được thực lực tốt thì môn bóng đá nam, đội U22 Việt Nam của HLV Philippe Troussier được dự báo sẽ đối diện áp lực lớn. U22 Việt Nam không còn lợi thế sử dụng cầu thủ quá tuổi, lứa trẻ chưa tích luỹ đủ kinh nghiệm quốc tế và cũng thiếu những gương mặt thực sự xuất sắc như lứa đàn anh. So với các đội tuyển khác, ở SEA Games 32, đội tuyển Thể dục dụng cụ gặp khó nhiều hơn do Campuchia cắt nội dung thị đấu nữ nên chỉ còn 8 nội dung của nam. Vì vậy, toàn đội đặt chỉ tiêu giành từ 2-3 HCV.
Theo tính toán, việc các môn nói trên bị loại có thể khiến Việt Nam mất khoảng 50-60 HCV. “Chúng tôi cho rằng mục tiêu thích hợp với Việt Nam ở SEA Games 32 là vị trí trong Top 3. Ở Đại hội tới nước chủ nhà cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam, ảnh hưởng nhiều tới số lượng HCV chúng ta có thể giành được. Bên cạnh đó các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay chủ nhà Campuchia đều có sự chuẩn bị rất tốt, tạo nên thách thức không nhỏ” - Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho biết.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục Thể thao), cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chỉ tiêu top 3 là hợp với thực lực của Đoàn TTVN. Theo ông Minh, các nước chủ nhà thường tận dụng ưu thế để đưa vào SEA Games các môn thế mạnh của mình. Tuy nhiên với định hướng tập trung cho các môn Asiad và Olympic, Việt Nam cần kiên định duy trì hướng phát triển này, đầu tư một cách nhất quán.