Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới

H.Hương 18/01/2023 07:00

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Cơ hội thu hút dòng vốn ngoại chất lượng cao tiếp tục được mở ra. Con số 41% doanh nghiệp châu Âu cho biết muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam là minh chứng rõ nét.

Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới.

Nhiều doanh nghiệp ngoại xoay dòng vốn sang Việt Nam

Số liệu công bố từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, số doanh nghiệp (DN) châu Âu muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng thêm 28% trong quý IV- 2022, cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư toàn cầu.

Trong quý IV, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầu tư trên toàn cầu với 41% số người được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng từ 13% trong quý III- 2022.

Ngoài ra, khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất, với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ.

Dù vậy, các DN châu Âu vẫn cho rằng, còn một số rào cản để DN của họ xoay dòng vốn vào thị trường Việt Nam, trong đó, 3 rào cản về pháp lý lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được xác định là: Thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (51%); Khó khăn hành chính (41%); Khó khăn về thị thực và giấy phép lao động (30%).

Để thu hút FDI, EuroCham đề xuất, cần giảm bớt khó khăn thủ tục hành chính, giảm khó khăn về thị thực cho các chuyên gia nước ngoài…

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng: “Mặc dù tình hình khó khăn còn có thể kéo dài trong năm 2023, nhưng điều này không phải là nguyên nhân gây lo ngại. Trên thực tế, có nhiều cơ hội để kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ” - Chủ tịch EuroCham nói và nhấn mạnh thêm: “Thật đáng khích lệ khi thấy rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu và trên toàn thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam”.

Những dữ liệu nói trên thể hiện khá rõ việc, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư châu Âu quan tâm mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Nổi bật trong các quốc gia châu Âu là Đan Mạch. Trong năm 2022, Đan Mạch đã nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng đầu tư mới đạt 1,32 tỷ USD. Một trong những lý do Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn Đan Mạch là các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết

Được đánh giá là dòng vốn tiềm năng chất lượng cao nhưng hiện nay dòng vốn đầu tư từ châu Âu vẫn còn khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được; còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU. Tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới.

Nói về vấn đề thu hút nguồn vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao...

Ông Đông cũng nêu rõ, sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử, đặc biệt là sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics… Trong bối cảnh đó, cần có thêm những chính sách, cơ chế để ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành một cấu phần quan trọng của ngành bất động sản công nghiệp.

“Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới