Sản xuất ‘triện củ khoai’

Tinh Anh 28/12/2020 11:00

Hiện, tình trạng làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức vẫn tồn tại khiến không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước đau đầu, mà còn gây lo ngại cho xã hội. Nếu không kiểm soát được vấn nạn này, e rằng sẽ phát sinh những hệ lụy khó lường.

Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt giữ hai đối tượng tổ chức làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng này, cơ quan chức năng thu giữ được tới 745 con dấu giả là của lực lượng công an các địa phương trên khắp cả nước.

Thông tin trên không khỏi khiến nhiều người băn khoăn. Làm sao có thể không lo lắng, khi số lượng con dấu giả ở mức “khủng”, nơi bị “nhái” lại là các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng con dấu, chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền cấp phép sử dụng con dấu cho cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, tùy theo phân cấp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, việc đăng ký mẫu dấu, cấp phép sử dụng con dấu thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) và phòng QLHC về TTXH (công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Chiếu theo quy định pháp luật hiện hành, bất kể cá nhân, tổ chức, đơn vị nào khi chưa đăng ký, chưa được cơ quan công an có thẩm quyền cấp phép sử dụng con dấu, đều là sử dụng “triện củ khoai” không có giá trị pháp lý. Những cá nhân, tổ chức cố tình sử dụng con dấu chưa được cấp phép là trái pháp luật có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu “nhái” con dấu đã được cấp phép sử dụng của cơ quan, đơn vị thì sẽ bị xử lý hình sự.

Thực tế, hầu hết mọi cá nhân, tổ chức, đơn vị đều hiểu rõ quy định của pháp luật nên không có ai dại gì tự ý khắc và sử dụng con dấu. Song, vẫn có một số đối tượng cố tình làm giả các con dấu đã được cấp phép sử dụng của cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Mục đích cuối cùng của các đối tượng là làm giả các tài liệu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhằm trục lợi cá nhân hoặc phục vụ mục đích chính trị.

Các loại tài liệu cơ quan, tổ chức bị làm giả rất đa dạng, song tập trung chính vào các loại như văn bằng, chứng chỉ, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đất đai... Các đối tượng làm giả cũng tự ngầm hiểu là nên “tránh xa” các cơ quan bảo vệ pháp luật, bởi nếu làm giả tài liệu của các cơ quan này sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, hầu như chúng chỉ làm giả những tài liệu của các cơ quan dân sự, như trường học, bệnh viện...

Làm giả bằng cấp dễ bán bởi vẫn có người có nhu cầu sử dụng, lại ít bị lực lượng thực thi pháp luật “soi”. Chẳng phải Trường Đại học Đông Đô đã cấp “hàng tá” văn bằng chứng chỉ giả, để vô số cán bộ, công chức, viên chức sử dụng làm “đẹp hồ sơ”, nhằm mục đích leo cao luồn sâu đó sao? Trên mạng cũng xuất hiện trang website bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả với giá khá “bình dân”.

Hay như việc làm giả giấy tờ công chứng, sang tên đổi chủ các mảnh đất, ngôi nhà, thậm chí làm giả quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Tất cả những loại tài liệu này đều có thể quy ngay ra “thóc”, ít bị để ý nên khả năng xộ khám không cao. Nhưng nếu làm giả giấy tờ của cơ quan công an, viện kiểm sát, hay tòa án thì thực sự là đã “vuốt râu hùm”, bởi khả năng bị phát hiện rất cao, tỷ lệ trót lọt thấp, lại không mấy có lợi.

Ấy vậy mà hai đối tượng vừa bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ lại “sưu tầm” tới 745 con dấu giả danh nghĩa của các đơn vị công an trên khắp cả nước. Có thể nói lá gan của hai đối tượng này đúng là to bằng... cái thúng. Tất nhiên, mục đích cuối cùng khi sở hữu tới hơn 700 con dấu giả danh nghĩa của cơ quan công an để làm gì, thì cần có kết luận cuối cùng của Công an tỉnh Đồng Nai. Song, mức độ nguy hiểm của hành vi này thì ai cũng thấy.

Con dấu giả danh nghĩa của cơ quan công an có thể sử dụng vào nhiều việc, từ phá rối trật tự an toàn xã hội, đến gây mất ổn định an ninh chính trị. Đơn cử, các đối tượng có thể làm giả giấy tờ xuất nhập cảnh cho các đối tượng lưu vong phản động, có thể cấp giấy tờ hợp pháp cho một đối tượng nguy hiểm bị truy nã có thể khiến một người dân bình thường nhẹ thì mất tiền oan, nặng thì sống trong tăm tối địa ngục...

Vì thế, dư luận xã hội đòi hỏi lực lượng công an từ Trung ương đến địa phương cần quyết liệt hơn nữa, không chỉ trong vấn đề quản lý hành chính về trật tự xã hội (quản lý sử dụng con dấu), mà còn trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một loại tài liệu giấy tờ giả dân sự đã gây hại không nhỏ cho xã hội, nếu là giả danh nghĩa của cơ quan thực thi pháp luật thì mức độ nguy hiểm sẽ là khôn lường, không thể cân đo đong đếm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất ‘triện củ khoai’