Kinh tế

Sản xuất xanh: Nâng tầm thương hiệu sản phẩm xuất khẩu

NAM ANH 12/02/2025 06:46

Giới chuyên gia khẳng định, chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai, đồng thời là yếu tố quan trọng để các ngành hàng nâng tầm thương hiệu...

tr6 (2)
Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất xanh. Ảnh: Quang Vinh.

Xu thế tất yếu

Bằng việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và phương pháp quản lý hiệu quả, doanh nghiệp (DN) không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hiện nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như, chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Chẳng hạn, EU bắt đầu thực hiện thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Bên cạnh đó, EU đã thông qua quy định không gây mất rừng, thực thi từ tháng 12/2024. Theo đó, cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng… Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, đây là thời điểm rất thích hợp để Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế xanh, hướng đến một nền kinh tế ít phát thải, hiệu quả tài nguyên và bền vững.

Như đối với ngành gỗ, thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), để chuẩn bị cho những quy định của EUDR (Quy định của EU không gây mất rừng và suy thoái rừng), Hiệp hội đang lập kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo về thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm gỗ hợp pháp khi đưa vào chuỗi cung và chuyển đổi xanh. Hiện nay, nhiều thị trường lớn tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như những hàng rào kỹ thuật quan trọng với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu.

Đơn cử, các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và DN phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Do đó, Viforest khuyến khích DN bảo đảm sản xuất xanh, thương mại xanh, tăng trưởng xanh và tăng cường chuyển đổi số. Phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu.

Hay như ngành dệt may, năm 2024 ngành này ghi nhận những kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những năm tới, các DN cần không ngừng đổi mới, thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, môi trường và xã hội. Hiện ngành hàng này đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Bởi vậy, hướng đến sản xuất xanh là yếu tố mà các DN ngành dệt may cần nỗ lực trong thời gian tới.

Hóa giải thách thức

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỉ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại…

Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Mỹ. Tiếp theo là thị trường EU. Kế đến là thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng. Tuy nhiên, các DN sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua những thách thức, các DN xuất khẩu gỗ Việt tích cực đầu tư vào hoạt động quản lý rừng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Phát triển các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 47- 48 tỷ USD. Đây được cho là một mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để chuyển đổi xanh, ngành dệt may cần đầu tư vào các dòng sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng xanh hóa của ngành thời trang toàn cầu, như sợi tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường, và đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế. Bên cạnh đó, tài chính cho việc xanh hóa ngành dệt may cần được chú trọng.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, đến nay Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; các cam kết tại COP26… Vì vậy, yêu cầu về chất lượng, đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh và trở thành tiêu chuẩn để lựa chọn nhà cung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất xanh: Nâng tầm thương hiệu sản phẩm xuất khẩu