Sang chấn tâm lý sau động đất

Hà Anh 02/03/2023 06:44

3 tuần sau trận động đất kinh hoàng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết khi phải lo nơi ăn, chốn ở tạm thời cho hơn 1,5 triệu người mất nhà cửa. Tuy nhiên còn một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là tình trạng tổn thương tâm lý sâu sắc của các nạn nhân sống sót.

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa động đất. Ảnh: Reuters.

Trận động đất ngày 6/2 đã khiến hơn 44.300 người Thổ Nhĩ Kỳ chết và hơn 1,5 triệu người mất nhà cửa trong điều kiện thời tiết băng giá. Hàng triệu người đã mất người thân, mất việc làm, tiền tiết kiệm cả đời và hy vọng về tương lai.

Tuy nhiên, giớichuyên gia lo ngại trẻ em sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, nhiều trẻ em trong số hơn 5,4 triệu trẻ em sống trong vùng động đất có nguy cơ mắc chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

“Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, thói quen đối với trẻ em và sự phục hồi của chúng. Các em cần được nối lại việc học tập của mình và rất cần sự hỗ trợ tâm lý xã hội để giúp đối phó với chấn thương tinh thần mà các em đã trải qua” - Giám đốc Khu vực châu Âu và Trung Á của UNICEF, ông Afshan Khan, cho biết sau chuyến thăm thực tế tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại một trại lớn dành cho những người sơ tán cạnh Sân vận động Hatay ở ngoại ô Antakya, các nhóm hỗ trợ tâm lý xã hội đã thiết lập các khu vui chơi nhỏ và dựng lều đầy đồ chơi. Trẻ em ngồi trên những chiếc ghế nhiều màu trước một màn hình di động lớn chiếu phim hoạt hình. Một số trẻ em chơi nhảy lò cò.

Ông Mehmet Sari - một nhân viên hỗ trợ tâm lý xã hội của chính phủ - cho biết, ông và những người khác trong nhóm của mình đã nhận thấy các dấu hiệu chấn thương tâm lý ở trẻ em. Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng, một số trẻ em không thể ngủ được, những đứa trẻ khác không thể ăn, trong khi những đứa khác có những ký ức khó quên và hay tè dầm”. Ông Mehmet Sari cho rằng, các em nhỏ cần được hỗ trợ lâu dài để phục hồi sau chấn thương tâm lý.

Bộ Dịch vụ xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã cử hơn 3.700 nhân viên xã hội đến hỗ trợ những người sống sót trong vùng động đất. Các tình nguyện viên của nhóm Sokak Sanatlari Atolyesi có trụ sở tại Izmir mặc trang phục Siêu nhân, chú hề và quản lý các hoạt động cho trẻ em sống trong lều tại một nơi trú ẩn ở tỉnh Hatay.

Nhưng một trận động đất mạnh 6,4 độ Richter xảy ra hôm 20/2 đã phá vỡ những nỗ lực mang lại cho trẻ em cảm giác bình thường giữa những tuần kinh hoàng sau những cú sốc. Một đoạn video do ông Erdal Coban - một trong những tình nguyện viên và Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Sokak Atolyesi - cung cấp cho thấy, tiếng reo hò và ca hát của bọn trẻ chuyển thành la hét. “Hãy bình tĩnh” một người hét lên khi một người khác giữ lấy đứa trẻ mà cô ấy đang bế trên tay.

Cho tới nay, cô Tugce Seren Gul vẫn luôn bị trằn trọc đến hơn 4h17 phút sáng - đúng giờ thiên tai ập đến - mới có thể cố chợp mắt. “Tôi cứ nghĩ một thảm họa khác sẽ ập đến vào thời điểm đó và chỉ chờ giây phút đó qua đi” - cô Gul nói. Cô là người đã chạy thoát ra khỏi nhà trong gang tấc ngay trước khi những bức tường của ngôi nhà sụp đổ trong trận động đất, nhưng nhiều thành viên trong gia đình đã không may mắn. Cô Gul không thể quên tiếng la hét của người thân và hàng xóm khi họ bị mắc kẹt trong các tòa nhà bị sập.

Cô Gul cho biết, nỗi kinh hoàng đã gây tổn hại nặng nề đến sức khỏe tinh thần của những người sống sót, những người mất tất cả ở thành phố Antakya. Cô mong muốn một ngày nào đó có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ để chữa lành vết thương, nhưng hiện tại, ưu tiên duy nhất là thiết lập một cuộc sống mới cho bản thân và những người còn lại trong gia đình.

Bà Ayse Bilge Selcuk - nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học MEF - cho biết, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu áp lực đáng kể do tình trạng nghèo đói gia tăng và tác động của đại dịch Covid-19. Giờ đây, trận động đất đã đưa những khó khăn đó lên cấp độ cao hơn.

“Căng thẳng đã trở thành một tình trạng mãn tính và liên tục, giờ đây nó đã vượt quá mức mà chúng ta có thể đối phó. Để quốc gia này đứng vững trở lại, chúng ta cần tìm sức mạnh nội tại và điều đó cần bắt đầu từ tâm lý của chúng ta”- bà Selcuk nói và cho biết thêm, “nhiều người trông có vẻ tê liệt”, đây có thể là một cơ chế phòng vệ để đối phó với căng thẳng không thể vượt qua. Lo lắng, bất lực và trầm cảm có thể cảm giác phổ biến và những người trẻ tuổi có thể cảm thấy tức giận.

Vì thế, bà Selcuk cho rằng các nỗ lực tái thiết nên bao gồm cả vấn đề sức khỏe tâm thần, đồng thời kêu gọi chính phủ cung cấp kinh phí cho các nhà tâm lý học đã qua đào tạo, cử họ đến vùng động đất và ở lại đó để giúp đỡ người dân, ít nhất là trong 3 tháng khi con người có thể trấn tĩnh trở lại.

Nhà tâm lý học Sueda Deveci của tổ chức tình nguyện Doctors Worldwide Turkey cho hay, người lớn cũng cần được hỗ trợ tinh thần như trẻ em sau những thảm kịch như trận động đất kinh hoàng vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Bà cho rằng, những người trưởng thành nhanh chóng nhận thức sâu sắc về những thay đổi trong cuộc sống của họ và những mất mát mà họ trải qua. Còn chuyên gia về quyền trẻ em Esin Koman cho hay, việc các mạng lưới hỗ trợ xã hội hiện có bị phá hủy bởi động đất khiến trẻ em phải đối mặt với chấn thương lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sang chấn tâm lý sau động đất