Nằm trong danh sách những công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021, sáng chế “Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị” do cô và trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) thực hiện sẽ là công cụ hữu hiệu trong tương lai hỗ trợ người khiếm thị trong sinh hoạt hàng ngày.
Sáng chế “Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị” được nhóm tác giả nghiên cứu và hoàn thành năm 2021 nhằm mục đích giúp người khiếm thị di chuyển đúng hướng, người thân của người sử dụng có thể kiểm tra và hỗ trợ người khiếm thị đi đến những địa điểm cụ thể thông qua tính năng GPS. Nhờ tính sáng tạo và hiệu quả sử dụng cao, thiết bị đã đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2021 (do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức) và Giải Tư Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021.
Thiết bị sử dụng phần mềm dựa trên các thuật toán được viết trên Visual Studio 2019 do em Trương Minh Đức và Nguyễn Bình An tự lập trình. Ngoài ra, nguyên liệu được các em tự lựa chọn, mua sắm để thiết kế thành các linh kiện trong thiết bị. Theo em Trương Minh Đức, thiết bị này có trọng tâm phát triển ở phần mềm và thuật toán, không phụ thuộc quá nhiều vào phần cứng, những thành phần cấu tạo đa số đều có thể tái sử dụng hoặc được bán trên thị trường với giá thành rẻ, vì vậy sẽ giảm thiểu giá thành cho người sử dụng, độ chính xác cao hơn các thiết bị cảm biến, an toàn và tiện lợi, có thể hoạt động mọi lúc mọi nơi mà không cần kết nối internet.
Tại các cuộc thi, thiết bị được đánh giá có tính ứng dụng cao, có thể lưu thông rộng rãi, có hiệu quả hỗ trợ rất lớn đối với người khiếm thị, tỉ lệ xác định đường đi có độ chính xác cao, tốc độ tính toán xác định vật cản cao, khả năng kiểm soát và lưu trữ hiệu quả. Với ưu điểm chi phí vừa phải, khá dễ dàng lắp đặt vận hành, không phụ thuộc quá nhiều vào cảm biến và các thiết bị đặc biệt, đồng thời dễ dàng sử dụng và điều khiển thông qua chương trình trình chiếu dữ liệu trên máy tính (DDPU- Desktop Data Presentation Unit).
Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn công trình nghiên cứu, cô Đinh Thị Hồng Vân (Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh) chia sẻ, cô rất tâm đắc với ý tưởng nghiên cứu của nhóm. Bởi thiết bị nếu được chế tạo thành công có thể thay thế cho đôi mắt của người khiếm thị, giúp họ tránh được những tai nạn đáng tiếc, tiện lợi hơn trong việc sinh hoạt. Để hoàn thiện thiết bị, nhóm nghiên cứu đã không ít lần gặp thất bại trong việc thử nghiệm. Nhưng sau những lời động viên, khích lệ và hướng dẫn tận tình của các thầy cô, các em đã tìm ra những thiết sót và khắc phục nhanh chóng.
Sau khi chế tạo và thực nghiệm thành công, sản phẩm đã hoạt động ổn định và đáp ứng tốt một số yêu cầu đặt ra ban đầu như xác định vật cản, chỉ dẫn hướng đi và định vị GPS. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hóa thiết bị cả về tính năng hoạt động và giá thành sản phẩm, hy vọng có thể phát triển thiết bị thành một sản phẩm thương mại trong tương lai.