Tinh hoa Việt

‘Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng’

CẨM THÚY 29/04/2024 07:38

Sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 7/1954, Hiệp định Genever về Đông Dương được ký kết. Tháng 10/1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Ngay khi ấy, nhà thơ Tố Hữu đã có những dự cảm trong bài thơ “Việt Bắc”...

sang.jpg
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng các đại biểu làm lễ khánh thành căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Lò Văn Minh, dân tộc Khơ Mú, bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên. Ảnh: Quang Vinh.

Vào những ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), khi nhìn lại lịch sử chúng ta càng thấy ngời sáng những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc vùng chiến khu, an toàn khu kháng chiến, của hàng vạn dân công.

Dự cảm của nhà thơ Tố Hữu 70 năm về trước: “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng/ Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”, cho đến hôm nay nhìn lại đó vẫn là một vấn đề được nhìn ra từ rất sớm.

5.000 căn nhà Đại đoàn kết để xóa nhà dột nát cho đồng bào nghèo tỉnh Điện Biên được thực hiện hết sức thần tốc trong vòng 9 tháng đã góp phần cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thêm ý nghĩa.

Trước đó, để đi đến ngày chiến thắng, “đất trời ta cả chiến khu một lòng”, đồng bào một lòng một dạ theo kháng chiến, an toàn khu của lòng dân là nơi an toàn nhất.

Dù đã 70 năm trôi qua, chắc chắn, trong lòng nhân dân ở những vùng kháng chiến, ký ức về những ngày gian khổ vẫn chưa quên.

Cách đây một thời gian, khi trở lại vùng An toàn khu Định Hóa, chúng tôi đã gặp lại ông Triệu Đình Lệ - con trai cụ chủ nhà nơi báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) từng đứng chân ở đó những năm kháng chiến chống Pháp. Và trong ký ức của ông Lệ - thời kháng chiến mới chỉ là một đứa trẻ lên 10 - vẫn nhớ như in tên tuổi từng người của tòa soạn báo Cứu Quốc thời đó. Không có một điều gì quên lãng trong lòng đồng bào.

Vẫn còn đó chiếc hộp gỗ được gia đình cụ chủ nhà cho mượn dùng để đựng dụng cụ làm việc, chiếc mâm gỗ để anh em tòa soạn ăn cơm và cả chiếc chăn sui nhà báo Xuân Thủy vẫn đắp... Trong ký ức của người đàn ông ở xóm Roòng Khoa dưới chân núi Khẩu Goại vẫn còn nhớ “ông Xuân Thủy làm việc ở nhà kia, còn anh em báo Cứu Quốc thì ở nhà tôi".

Đưa ra một ví dụ để thấy, đồng bào rất nhớ kháng chiến, nhớ cán bộ. Và, 70 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các vùng chiến khu, an toàn khu, căn cứ kháng chiến trong cả nước, với những chính sách cụ thể.

Ở những nơi ghi dấu ấn quan trọng đều đã trở thành di tích lịch sử, di tích cách mạng được xếp hạng, bảo vệ. Hầu hết ở các vùng gắn với di tích kháng chiến và cách mạng hiện đều đã trở thành các điểm đến của các tour du lịch về nguồn. Ở những nơi di tích được xếp hạng được đầu tư đường sá, cơ sở hạ tầng khang trang. So với 70 năm về trước những con đường đến trường của trẻ em miền núi đã mỗi ngày một gần hơn.

Nhưng không thể chỉ dừng lại để so sánh với chính những nơi đó 70 năm về trước. Phải đặt đời sống đồng bào trong chính tương quan với những vùng phát triển hiện nay. Về cơ bản đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa nói chung và các vùng kháng chiến cũ đều còn hết sức khó khăn. Càng là một khoảng cách xa vời vợi so với các thành phố lớn hiện nay.

Những năm trước, ông Lù Văn Que - nguyên Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc của MTTQ Việt Nam, người gắn bó với đồng bào dân tộc, luôn cho rằng: Không dễ để đồng bào tự giãi bày tâm tư của họ. Đồng bào không kể công, nhưng trách nhiệm của những người làm chính sách là không thể để đồng bào bị thiệt thòi.

Ở tỉnh Điện Biên, nơi cách đây 70 năm trở thành một địa danh cả thế giới biết đến, theo số liệu đến tháng 3/2023, vẫn còn 7.447 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa, trong đó: Số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới là 5.479 hộ.

Cũng theo thông tin mà ông Lò Văn Mừng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã trao đổi với phóng viên đăng trên báo Đại Đoàn Kết vào tháng 5/2023, thì trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia, cho nên tỉnh đã quan tâm đầu tư điện sinh hoạt nông thôn.

Xuất phát từ thực tế này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đề án mang ý nghĩa lớn trước thềm Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án được tổ chức vào tháng 3/2024 vừa qua do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức, các số liệu được công bố cho thấy sau 9 tháng triển khai và tổ chức thực hiện, đến ngày 24/1/2024, 5.000 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Trong đó có 1.818 nhà xây, 1.894 nhà gỗ truyền thống, 1.288 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích ít nhất từ 36 m2 trở lên. Tổng kinh phí thực hiện làm nhà 489,4 tỷ đồng. Sau khi được hỗ trợ làm nhà từ Đề án, đã có 1.132 hộ thoát nghèo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đã 70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ những dân công, những người dân ở vùng chiến khu kháng chiến đóng góp, hy sinh cho kháng chiến qua cuộc gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, đều đã ở độ tuổi rất cao.

Sẽ có những người không còn có thể dự Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào các năm chẵn tiếp theo, dịp 70 năm này rất có thể là cơ hội cuối cùng để gửi lời tri ân đến họ. Bởi thế những gì có thể làm được hôm nay là cần thiết phải làm trước khi có những người không còn đủ thời gian chờ được nữa, có những cựu chiến binh, những dân công hỏa tuyến không còn đủ sức khỏe để trở lại chiến trường xưa.

Xóa nhà dột nát cho đồng bào tỉnh Điện Biên hay bất cứ sự tri ân nào dành cho bộ đội, dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đều là đáng quý. Nhưng sau đó, cần hơn nữa những chính sách để cả những vùng đất ấy vươn lên, thay da đổi thịt, thay đổi cuộc sống của những thế hệ con cháu được sinh ra sau Chiến thắng. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng’