Mặt trận

Sáng kiến bản đồ có tính ứng dụng cao

Tiến Đạt 12/03/2024 07:33

Với niềm đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học, Ths Đặng Minh Tấn (Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định) đã hoàn thiện công trình “Hệ thống bản đồ jMap” đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin bản đồ phục vụ công tác quản lý nhà nước và các hoạt động chuyên môn của nhiều tổ chức, cá nhân.

anhbaiduoi(3).jpg
Công trình “Hệ thống bản đồ jMap” của ThS Đặng Minh Tấn được vinh danh tại Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về tính mới của công trình khoa học “Hệ thống bản đồ jMap”, ThS Đặng Minh Tấn, Chủ nhiệm công trình cho biết, Hệ thống bản đồ jMap là một dạng website chuyên đăng tải các loại bản đồ dưới dạng webgis, sử dụng kỹ thuật dữ liệu dưới dạng GeoJSON để trình diễn các loại bản đồ trên nền tảng web với mục đích khắc phục bản quyền phần mềm và đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. GeoJSON là một dạng cấu trúc dữ liệu địa lý, dựa trên JavaScript Object Notation (JSON) được cộng đồng sử dụng rộng rãi. Khác biệt lớn nhất của jMap là sử dụng cấu trúc dữ liệu địa lý GeoJSON để lưu trữ dữ liệu và trình diễn nhiều loại bản đồ khác nhau, như bản đồ quy hoạch, hiện trạng, địa chính, chuyên đề… gọn gàng và linh hoạt, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin bản đồ cần thiết.

Nhờ sự tiện lợi đó, Hệ thống bản đồ jMap có thể phục vụ cho nhiều đối tượng, mục đích khác nhau như nhu cầu quản lý nhà nước, giúp tra cứu thông tin địa chính, hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất của cơ quan quản lý nhà nước, tham khảo, để đưa ra quyết định hành chính; hay nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải tỏa đền bù, đấu nối, so sánh các công trình dự án triển khai. Hệ thống cũng đáp ứng được nhu cầu xã hội về tra cứu thông tin đất đai để đầu tư bất động sản, phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin đối với người dân.

“Sau quá trình triển khai áp dụng, hệ thống đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng để giải quyết công việc như tra cứu bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch, bản đồ khoáng sản, lâm nghiệp, tính diện tích, chuyển đổi tọa độ VN2000, định vị vị trí. Đặc biệt chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet là có thể giải quyết được công việc. Việc triển khai hệ thống này sẽ tiết kiệm chi phí bản quyền phần mềm và đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thuận tiện phân tán dữ liệu để xây dựng và tích hợp dữ liệu vào hệ thống” - ông Tấn cho hay.

Cũng theo ông Tấn, Hệ thống bản đồ jMap có hệ thống dữ liệu thuận tiện cho việc dùng chung để thực hiện các công trình dự án của doanh nghiệp, các nhu cầu cá nhân khác khi tra cứu dữ liệu, phục vụ cho việc tiếp cận thông tin đối với người dân theo luật định. Hệ thống cũng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận thông tin trên nhiều lĩnh vực theo quyền tiếp cận thông tin của công dân, từ đó giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hiệu quả của cải cách hành chính để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thay thế dần các hình thức niêm yết công khai thủ công, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của người dân.

Từ những ứng dụng hiệu quả trên thực tế, công trình khoa học “Hệ thống bản đồ jMap” của ThS Đặng Minh Tấn đã đạt Giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 năm 2020-2021 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức; Giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12 năm 2020-2021 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Hệ thống bản đồ jMap cũng được vinh danh trong danh sách các công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng kiến bản đồ có tính ứng dụng cao