Với mong muốn mang lại nguồn nước sạch, tốt cho sức khỏe người dân, ThS Hồ Quốc Hùng - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TP Cần Thơ) đã nghiên cứu tích hợp công nghệ trao đổi electron vào hệ thống xử lý nước RO, tạo ra một giải pháp khoa học hiệu quả, đơn giản, chi phí đầu tư thấp và mang lại lợi ích cao.
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, đặt biệt phải kể đến hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng đe dọa đến nguồn nước sạch, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đứng trước nhu cầu cấp thiết về nước sạch, với bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TP Cần Thơ), ThS Hồ Quốc Hùng đã có sáng kiến nâng cao chất lượng nước uống bình thường thành nước điện giải bằng công nghệ trao đổi electron thông qua các chỉ số ORP, pH, TDS.
Theo ông Hùng, nước điện giải có khả năng chuyển đổi cấu trúc phân tử của nước thành các cụm nhỏ hơn, các cụm nước nhỏ này sẽ tự tăng cường sinh học có sẵn trong nước và thúc đẩy các chức năng sinh học phức tạp khác có trong cơ thể của người, động vật và thực vật, từ đó giúp hấp thụ, chuyển hóa các chất dinh dưỡng, giải độc ở cấp độ cơ bản tạo điều kiện cho các chức năng khác hoạt động hiệu quả; cải thiện chất lượng nước trong cơ thể của người, động vật và thực vật hỗ trợ cho hoạt động sinh học.
Hơn thế nữa, công trình “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP- vào hệ thống nước RO” có thể phù hợp với hầu hết mọi vùng, miền trong cả nước, chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều so với công nghệ kengan cùng công suất chất lượng ORP- (kháng ô xy hóa tương đương); được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam và có khả năng tích hợp với mọi hệ thống RO đã lắp đặt trước đó.
Từ những ưu điểm nêu trên, hiện nay công trình tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP- vào hệ thống nước RO đã được chuyển giao ra thị trường, trong đó đã chuyển giao quy trình vận hành thiết bị và sản xuất nước uống ION tại Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Đắk Lắk; chuyển giao cho cơ sở sản xuất nước tinh khiết NAWA ION tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của công trình, ông Hùng cho biết, việc tích hợp công nghệ trao đổi electron vào hệ thống xử lý nước RO có rất nhiều tác động tích cực tới môi trường. Công nghệ trao đổi electron sử dụng rất ít điện năng, tiết kiệm hơn rất nhiều so với các sản phẩm sử dụng công nghệ khác. Thêm vào đó, khi sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược với nhiều lớp màng lọc, nguồn nước uống được đảm bảo đến 99% độ an toàn. Ngoài ra, lượng nước thải ra của máy cũng có thể được tái sử dụng cho việc tưới cây. Chi phí và thời gian bảo trì hệ thống cũng tiết kiệm hơn rất nhiều khi so sánh với chi phí bảo trì so với các hệ thống khác, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại lợi ích về kinh tế và sức khỏe cao.
“Ứng dụng được các công nghệ tiên tiến hiện nay mang lại hiệu quả về sức khỏe con người nhưng vẫn đảm bảo môi trường xung quanh không bị tác động, nâng cao chất lượng cuộc sống từ nguồn nước. Nước uống từ hệ thống xử lý nước có tích hợp hệ thống trao đổi electron đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe con người, giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh liên quan đến đường ruột, trực tràng, bàng quang. Đây là phương pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân và gia đình” - ông Hùng cho hay.
Với hiệu quả kinh tế và tính ứng dụng cao, công trình “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP- vào hệ thống nước RO” của ThS Hồ Quốc Hùng đã được vinh danh trong danh sách các công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.