Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam ngày càng sôi động. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Mới đây, trong cuộc tiếp giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng, vệ tinh vũ trụ và công nghệ, đại diện hãng hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk bày tỏ dự định đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới. Tập đoàn đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng đối với kế hoạch phát triển Internet vệ tinh.
Nâng chất lượng với các đối tác lớn
Với chủ trương phổ cập Internet toàn dân, ông Tim Hughes - Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX, khẳng định mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa kế hoạch này và mong muốn được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, cũng như phối hợp của các bộ ngành Việt Nam để có thể khởi động quá trình hợp tác liên quan tới dự án này.
Việt Nam ngày càng có sức hút để đón được dòng vốn ngoại. Đáng chú ý, dòng vốn này không những chỉ tăng về lượng mà còn được củng cố về chất. Dẫn chứng là dự án tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD của Tập đoàn Amkor. Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam (tại KCN Yên Phong II-C, huyện Yên Phong) có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Thời gian hoạt động của dự án tính từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 11/9/2068. Nhà máy tiến hành sản xuất thử nghiệm từ quý I/2025 đến quý II/2025; bắt đầu sản xuất chính thức từ quý III/2025 và đạt công suất tối đa từ quý IV/2035.
Tháng 11/2021, Tập đoàn Amkor của Hàn Quốc quyết định đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy có tổng diện tích 23 ha, với pháp nhân là Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 530 triệu USD.
Sau gần hai năm triển khai xây dựng đến năm 2023, nhà máy của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, Việt Nam rất cố gắng để vận động, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 yếu tố chính tác động đến khả năng thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Các yếu tố khách quan gồm tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam. Xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; các vấn đề về an ninh. Các yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, bao gồm: chiến lược, mục tiêu phát triển. Đánh giá mức độ phù hợp và ưu tiên đối với địa bàn đầu tư, kinh doanh; nguồn lực và khả năng triển khai. Cuối cùng là sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, về thể chế, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, trong đó có ngành chip, bán dẫn.
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ đang được tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn thiện (đường bộ, đường thuỷ và đường không). Song song với đó Việt Nam cũng tập trung phát triển các khu công nghệ cao. Như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các khu công nghệ cao đã được đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và có các cơ chế, chính sách ưu đãi – hỗ trợ, sẵn sàng các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Gần đây, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic…), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Theo đó, trong khuôn khổ Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư và các thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3,4 tỷ USD.
Trong số này, có 8 dự án được trao chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký gần 1,12 tỷ USD và 162 tỷ đồng. Lớn nhất trong số các dự án này chính là Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Tập đoàn Foxconn, vốn đầu tư 383,3 triệu USD. Tiếp sau đó là các dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh, vốn đầu tư 280 triệu USD; Dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam, vốn đầu tư 260 triệu USD; Dự án Nhà máy AAC Bắc Ninh, vốn đầu tư 50 triệu USD…
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga cho biết, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang quan tâm, chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để đầu tư tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy một số tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, như Intel, Samsung, Synopsys… Ngoài ra, những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như: Google, Apple, Meta và Nvidia (những doanh nghiệp có vốn hóa hàng nghìn tỷ USD) cũng đang tìm cơ hội ở Việt Nam. Đặc biệt, tỷ phú Ấn Độ Adani đề xuất đầu tư 2 tỷ USD vào dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) nhằm biến thành phố này trở thành điểm đến, trung chuyển và trung tâm logistics tầm cỡ khu vực.
Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đi đúng hướng, chủ động sàng lọc cơ hội, thu hút đầu tư mới.
Chủ trì Phiên Đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024 lần thứ 5 (HEF), diễn ra vào ngày 25/9 vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng rót vốn vào Việt Nam vì có "cơ chế thông thoáng, hạ tầng đang phát triển, con người và quản trị thông minh".
Theo người đứng đầu Chính phủ, để thu hút tốt FDI phải tập trung 3 vấn đề chính. Thứ nhất, thể chế thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn.
Thứ hai, hạ tầng thuận tiện, thông suốt, kéo giảm chi phí logitstics từ mức 17-18% GDP xuống 11-12% GDP như các nước tiên tiến. Cuối cùng là đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo.
Để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam có nhiều điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách, điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực và năng lượng.
Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Với năng lượng, đường dây 500 kV mạch 3 đang tăng tốc triển khai để không thiếu điện cho sản xuất lẫn sinh hoạt.
Chủ tịch EuroCham Việt Nam Dominik Meichle khẳng định, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, chắc chắn, dòng vốn ngoại đổ vào, nền kinh tế Việt Nam sẽ được “tăng lực” để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Các nhà đầu tư quốc tế cũng nhiều lần khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng cốt lõi như đường, cảng, cầu... để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo mới nhất do ngân hàng HSBC công bố cho rằng, để duy trì được lực hút FDI, chính phủ phải tìm cách mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia.
Ngoài ra, cần thêm nhiều sáng kiến khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước, giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp.
Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước, bên cạnh cân nhắc về thuế, chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần được Việt Nam tích cực giải quyết.