Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Sáng tạo đề thi đến mức nào?

Vi Cầm 05/11/2024 09:54

Nhiều trường phổ thông trên cả nước đang bước vào cao điểm kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ I. Đáng lưu ý, câu chuyện về đề kiểm tra Ngữ văn lớp 10 ở TPHCM với yêu cầu phân tích “lối sống phông bạt” của giới trẻ hiện nay nhận được sự quan tâm trái chiều.

Theo đó, đề kiểm tra giữa kỳ lớp 10 môn Ngữ văn của trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) vừa qua chỉ có một câu, thời gian làm bài 45 phút: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”. Trên các diễn đàn học sinh tại TPHCM, đề Văn này thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận, bày tỏ quan điểm một cách hào hứng. Điều mà học sinh thích thú và các giáo viên đánh giá cao là sự “bắt trend” kịp thời với đời sống giới trẻ, phân hóa cao, bàn về một hiện tượng đời sống gần gũi với tâm lý học sinh. Điều này giúp các em hứng thú trong việc làm bài, giáo viên chấm bài cũng đỡ thấy nhàm chán.

Tuy nhiên, ngay trong giới cũng có những quan điểm khác nhau. Một số thầy cô cho rằng đề thi kiểu này hời hợt và thiếu chiều sâu. Một số người nhìn nhận rằng, theo định hướng Chương trình GDPT 2018, giáo viên có thể ra đề kiểm tra ngắn gọn, yêu cầu học sinh nghị luận về một vấn đề hoặc một hiện tượng xã hội để học sinh bày tỏ quan điểm. Tuy vậy, với đề thi kể trên, việc sử dụng tiếng lóng là “phông bạt” thì cần phải cân nhắc lại. Đề kiểm tra sẽ hay hơn, nếu có một câu dẫn chuyện ở phần trên, chỉ ra một số biểu hiện sống phông bạt của người trẻ, dẫn chứng thực tế từ cuộc sống rồi mới dẫn vào câu hỏi.

Thời gian qua, nhiều giáo viên đã được tập huấn rất kỹ về việc xây dựng đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn theo định hướng chương trình GDPT mới. Những tiêu chí để lựa chọn ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra định kỳ được qui định gồm: Ngữ liệu phải là văn bản hoặc đoạn trích mới nhưng tương đương với thể loại, kiểu văn bản được học trong chương trình; ngữ liệu có dung lượng phù hợp bảo đảm học sinh có đủ thời gian đọc, suy nghĩ để làm bài thi/kiểm tra; ngữ liệu cần chứa đựng các yếu tố tiêu biểu cho loại/thể loại văn bản cần đánh giá; ngữ liệu phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; ngữ liệu phải có xuất xứ từ những nguồn dẫn mang tính chính thống đã được những cơ quan có chức năng và thẩm quyền trong nước kiểm duyệt…

Như vậy, một đề kiểm tra mở hướng tới gợi mở nhiều vấn đề, đặt ra yêu cầu liên tưởng tới thực tế cuộc sống, thiết thực với việc dạy và học Văn trong nhà trường hiện nay. Đặc biệt tiến tới thoát khỏi văn mẫu với những mô típ ra đề quá nhàm chán. Dẫu thế, tính giáo dục của đề thi/kiểm tra cần được chú trọng để tránh tác dụng ngược. Theo đó, đề thi Ngữ văn – dù sáng tạo cũng rất cần tính mô phạm. Ngữ liệu sử dụng mang hơi thở cuộc sống là đúng nhưng khi một hiện tượng, trào lưu… được giới trẻ quan tâm, giáo viên muốn tích hợp vào đề kiểm tra thì nên cân nhắc cho phù hợp với môi trường học đường. Ấy là chưa kể, việc bàn luận về một hiện tượng tiêu cực cũng có thể là con dao hai lưỡi. Với học sinh đang nhiều hoài bão, các em cần được định hướng để sống bao dung, có trách nhiệm với bản thân và cuộc đời. Đề kiểm tra cũng cần xoáy vào đó giúp các em phát triển năng lực và phẩm chất, thế mạnh…

Văn chương bản thân nó vốn đã không thuộc về số đông, nên yêu cầu học sinh viết bài nghị luận văn học phân tích một tác thơ, văn xuôi ngoài sách giáo khoa, hoặc nghị luận về một vấn đề xã hội – khi cảm thụ và cảm nhận của các em chưa đến độ, rõ ràng không phải là điều đơn giản. Khuyến khích đề thi sáng tạo, đổi mới không theo lối mòn, nhưng người ra đề cần lưu ý giới hạn nào, và đâu là cái chung, đâu là cái chuẩn để không đánh đố học sinh. Trái lại cần kích thích khả năng sáng tạo, để các em được bày tỏ quan điểm/góc nhìn cá nhân về những vấn đề đang diễn ra trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng tạo đề thi đến mức nào?