Những ngày này, nhiều du khách đến TP Đà Nẵng đều muốn ghé lại bờ sông Hàn, thưởng thức các lớp tuồng trong chương trình “Tuồng xuống phố”. Nhờ sự đầu tư bài bản, phần trình diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nên sân khấu dân gian đặc biệt này ngày càng thu hút người dân và du khách. Nhiều người trẻ chia sẻ rằng, tuồng cũng đẹp, thưởng thức tuồng cũng thú vị vô cùng.
Trong guồng quay sôi động của nghệ thuật đương đại, sân khấu truyền thống cũng không ngừng vận động, biến chuyển để thích nghi, tìm chỗ đứng và giữ được vị thế trong lòng khán giả. Nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại để làm cho sân khấu trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn, mang đến cho công chúng những trải nghiệm khác biệt.
Cùng với tuồng, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác như chèo và cải lương cũng đang từng bước làm mới mình. Như bên cạnh việc phục dựng các vở diễn cổ, lãnh đạo các Nhà hát cũng chú trọng xây dựng những câu chuyện gần gũi, mang tính thời sự, phù hợp với tâm lý và thị hiếu của giới trẻ. Đặc biệt, sân khấu, phục trang, âm thanh, ánh sáng được dàn dựng công phu, tinh tế, tạo không gian nghệ thuật đậm chất Việt.
Nhiều đơn vị nghệ thuật đã tái dựng các vở diễn kinh điển bằng hình thức dàn dựng mới, rút gọn thời lượng, kết hợp âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật sân khấu hiện đại nhằm tạo nhịp điệu nhanh hơn, gần gũi hơn với thị hiếu khán giả trẻ. Một số tác phẩm như: Mai An Tiêm (tuồng), Quan Âm Thị Kính (chèo), hay Lan và Điệp, Tiếng trống Mê Linh (cải lương), Bệnh sĩ (kịch nói) đã được phục dựng và công diễn với diện mạo mới.
Đặc biệt, việc đưa các trích đoạn cải lương, tuồng, chèo lên TikTok đang trở thành xu hướng mới, khơi gợi và làm sống dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ. Những video ngắn, sáng tạo, thường được lồng ghép yếu tố hài hước, xu hướng hiện đại hoặc kết hợp với các hiệu ứng thị giác hấp dẫn giúp người trẻ dễ tiếp cận, dễ nhớ và dễ chia sẻ.
Đây là cách làm và hướng đi hoàn toàn cần thiết. Đó cũng là tín hiệu tích cực cho thấy sự đổi mới trong tư duy sáng tạo. Nói như TS.NSND Lê Tuấn Cường – Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận chèo với tâm thế và yêu cầu khác, do đó việc thay đổi, cách tân trong cách thể hiện, dàn dựng là điều tất yếu và cần thiết để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự đổi mới này cần đi kèm với nền tảng nội dung vững chắc và sáng tạo nghệ thuật sâu sắc để đảm bảo rằng yếu tố công nghệ hay các hiệu ứng mới chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không được làm lu mờ giá trị cốt lõi của sân khấu truyền thống.
Đặc biệt việc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8 được xem là bước đi chiến lược nhằm khẳng định vị thế và nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật sân khấu truyền thống trong bối cảnh hội nhập. Sau sáp nhập, Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam được kỳ vọng trở thành thiết chế văn hóa tầm quốc gia - nơi quy tụ tinh hoa của các loại hình sân khấu truyền thống. Đây cũng được kỳ vọng sẽ là không gian sáng tạo và trình diễn chuyên nghiệp, góp phần đưa sân khấu truyền thống tiệm cận đời sống hiện đại, chinh phục được nhiều khán giả trong và ngoài nước.