Sáng tạo trong nghề thủ công truyền thống

NAM PHONG 23/04/2023 09:40

Những nghệ nhân dù đến từ những làng nghề khác nhau, nhưng ở họ đều có chung một điểm: giữ được tình yêu mãnh liệt với nét văn hóa do ông cha truyền lại. Để rồi tình yêu ấy đã thôi thúc họ tiếp tục phát huy giá trị của nghề truyền thống bằng cách tìm cho chúng hướng đi mới mẻ, đầy tính sáng tạo.

Không gian làm quạt tại nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn.

Sáng tạo từ nguồn nguyên liệu sẵn có

Về với xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) ghé thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Minh với hơn 20 năm làm đồ chơi chuồn chuồn tre. Bà Minh hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Chuồn Chuồn tre Minh Đính, với 7 sáng lập viên tham gia; hoạt động theo mô hình sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, với hoạt động chính là sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương sản xuất, là đơn vị kết nối giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ sản phẩm.

Sau khi Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO vào tháng 10/2019, vai trò của những người làm công tác văn hóa lại càng quan trọng. Bởi họ cần đồng hành với những người nghệ nhân, để tìm ra hướng đi mới cho nghề thủ công truyền thống, góp phần khẳng định vai trò của Hà Nội - trung tâm sáng tạo của cả nước và rộng hơn là trong khu vực.

Sáng tạo trong nghề thủ công truyền thống có lẽ đã không còn là khái niệm quá mới mẻ với gia đình bà Minh. Bởi theo lời kể của bà Minh, gia đình vốn có truyền thống làm nghề đan thúng, đan mủng tre. Nhưng ngày ấy, trẻ em nông thôn không có điều kiện mua đồ chơi nhập ngoại, nên ông bà của bà Minh đã tận dụng nguồn nguyên liệu tre sẵn có, làm ra món đồ chơi mới có dáng hình con chuồn chuồn cho bọn trẻ trong làng. Chuồn chuồn là con vật khá thân thuộc với những đứa trẻ sinh sống ở vùng nông thôn, bởi chúng thường bảo nhau rằng, để cho con côn trùng này cắn vào rốn thì sẽ biết bơi. Nên khi món đồ chơi này ra đời, đám trẻ ở Thạch Xá vô cùng thích thú.

Món đồ chơi bằng tre mô phỏng gần như tương đối một con chuồn chuồn, với thân mảnh, đuôi cong vút. Mũi chuồn chuồn được vót nhọn cùng với hai bên cánh to và nặng hơn phần thân, để giữ cho nó luôn thăng bằng khi đặt trên ngón tay.

Vì là đồ chơi cho trẻ nhỏ, nên công đoạn xử lý tre phải được làm rất cẩn thận. Tre được chẻ thành các thanh nhỏ, còn sót rất nhiều dằm li ti, nên bà Minh phải cạo cho nhẵn. Thanh tre sau khi phơi trong vòng hơn nửa tháng, người nghệ nhân khoan lỗ ở hai bên, rồi gắn vào đó cánh chuồn chuồn là đã hoàn thiện sản phẩm.

Ngày trước, chuồn chuồn tre chỉ để mộc, bọn trẻ chơi lâu dần cũng thấy chán. Để những con chuồn chuồn tre bắt mắt hơn, hiện nay các nghệ nhân đã vẽ thêm cho chúng màu sắc rực rỡ. Chuồn chuồn tre với những màu sắc rực rỡ khiến cho trẻ em thích thú hơn. Cùng với đó, cũng gây cho những du khách đến với Xứ Đoài sự hiếu kỳ, hứng thú khi mua món đồ chơi này.

Sáng tạo ra đồ chơi chuồn chuồn tre không chỉ giúp cho gia đình bà Minh hay nhiều hộ gia đình lân cận có thêm thu nhập bên cạnh nghề đan thúng, mủng, mà còn giúp cho địa phương có thêm một món quà lưu niệm giới thiệu với khách du lịch.

Tạo diện mạo mới cho quạt truyền thống

Cách đó không xa, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) được biết đến là vùng đất “bách nghệ” với nhiều nghề truyền thống nức danh như: nghề mộc, điêu khắc, làm đồ thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, đan, vót đũa, múa rối nước… Trong đó, phải kể đến nghề làm quạt với lịch sử hơn 200 năm.

Tiếp nối niềm tự hào về sản phẩm truyền thống của quê hương, quạt giấy của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn đã xuất khẩu thành công sang Hàn Quốc. Những chiếc quạt trơn dưới đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, trở nên “có hồn” hơn khi được họa trên mình các tác phẩm nghệ thuật tái hiện phong cảnh Việt Nam, các di tích, danh thắng nổi tiếng như: hồ Hoàn Kiếm, chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Thầy (Quốc Oai)… Chiếc quạt giấy những tưởng chỉ là vật làm mát, nay lại góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Song song với việc đáp ứng yêu cầu khắt khe về hình thức của khách hàng, chất lượng quạt được gia đình bà Tuấn chú trọng qua từng sản phẩm. Hiện nay, dù xuất hiện phổ biến nan quạt bằng nhựa giả gỗ với giá nhập tương đối rẻ, thế nhưng bà Tuấn cũng như nhiều nghệ nhân khác ở địa phương vẫn trung thành với nan tre. Bởi họ tâm niệm, nguyên liệu tre đã trở thành hồn cốt của chiếc quạt.

Không chỉ dừng lại với quạt giấy, bà Tuấn còn mạnh dạn thử khoác lên nan tre những tấm vải màu sắc, để cho quạt truyền thống diện mạo mới. Do miền Bắc nước ta có khí hậu ẩm, nên nếu quạt giấy không được bảo quản tốt trong điều kiện khô thoáng, rất dễ bị ẩm mốc. Và quạt giấy mở ra gập vào nhiều lần, không cẩn thận sẽ khiến quạt bị rách. Quạt vải xuất hiện, đã khắc phục được những hạn chế nêu trên. Đồng thời, nhằm làm tăng tính thẩm mỹ cho quạt, gia đình bà đã in lên trên vải một số mẫu thư pháp. Quạt vải với họa tiết thư pháp có nét mềm mại, thanh thoát, tôn lên những đường nét hình thể khi diện áo dài, nên được chị em phụ nữ ưa chuộng.

Theo gợi ý của con trai, KTS Nguyễn Văn Giang - chủ sở hữu thương hiệu Gỗ Giang, bà Tuấn còn nhận in thiệp mời, quảng cáo, thông tin các chương trình, hội nghị lên quạt giấy. Hướng này vừa có thể truyền tải nội dung mà các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp muốn giới thiệu vừa giúp lan tỏa hình ảnh quạt Chàng Sơn rộng rãi hơn.

Để những sản phẩm quạt được đến gần hơn khách hàng, KTS Nguyễn Văn Giang còn giúp mẹ mở cửa hàng trên các trang thương mại điện tử, xây dựng, thiết kế website và fanpage, nhằm đưa nghề thủ công truyền thống này đến với nhiều khách hàng ở khắp mọi miền. Chính nhờ hoạt động mạnh mẽ trên các trang mạng ấy, mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch biết đến nghề làm quạt truyền thống. Họ thường tổ chức các chuyến tham quan tới cơ sở sản xuất của gia đình bà và trải nghiệm hoạt động làm quạt. Có thể thấy, thành công từ việc quảng bá trên không gian mạng đã góp phần thúc đẩy du lịch làng nghề, nhất là những làng nghề ở ngoại ô thành phố.

Chuồn chuồn tre của HTX Minh Đính.

Lời khuyên từ chuyên gia kinh tế

Có dịp tham quan nhiều làng nghề truyền thống, TS Nguyễn Xuân Nguyên, nguyên là cán bộ Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận thấy, hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất các mặt hàng truyền thống thường trông chờ nhiều vào các phiên hội chợ. Nhưng hội chợ thường chỉ được tổ chức định kỳ, nên việc quảng bá sản phẩm chỉ đạt được hiệu quả nhất định trong một khoảng thời gian ngắn và không thường xuyên. Việc mở rộng không gian trưng bày các sản phẩm trên mạng xã hội là một tín hiệu đáng mừng. Bởi hiện nay, theo thống kê, có những mặt hàng có lượt mua trên các trang thương mại điện tử còn cao hơn mua theo hình thức truyền thống. Cùng với đó, quảng bá trên không gian mạng sẽ dễ dàng tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ tuổi và những người ở xa hoặc chưa biết đến các sản phẩm truyền thống.

Ông Nguyên mong muốn, mô hình này sẽ được nhân rộng hơn nữa, nhằm tăng độ nhận diện về các nghề truyền thống trong nhận thức khách hàng, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề và góp phần giữ nghề truyền thống trước nguy cơ mai một.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ đơn thuần là bán sản phẩm trên không gian mạng, người nghệ nhân cũng cần gửi gắm vào từng sản phẩm mình làm ra những câu chuyện gắn liền với nó, như quá trình làm ra một sản phẩm, đặc trưng của sản phẩm ấy... Bởi một số làng nghề ở các tỉnh thành khác nhau cùng làm ra một sản phẩm, như với nghề quạt giấy, ngoài xã Chàng Sơn (Hà Nội), còn có làng Canh Hoạch (huyện Thanh Oai, Hà Nội), hay vào tới miền Trung còn có làng Nam (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), rồi làng Phương Ngạn (huyện Triệu Phong, Quảng Trị)… Nhưng lịch sử hình thành, kỹ thuật tạo tác và cả mẫu mã là khác nhau. Từ đó, người mua không chỉ xem sản phẩm ấy là một món đồ có công năng sử dụng tốt, mẫu mã đẹp, mà còn trân trọng cả những giá trị gắn liền với sản phẩm.

Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ là điều không hề đơn giản với nhiều nghệ nhân. Hiện đa số nghệ nhân giữ nghề truyền thống đều là người cao tuổi hoặc trung niên. Với họ, sử dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 có phần khó khăn, vì thế việc chủ động xây dựng các kênh thông tin quảng bá sản phẩm lại càng khó hơn. Nếu không có sự hỗ trợ từ con cháu, họ không thể nào tìm ra hướng đi mới trong việc quảng bá sản phẩm, ngoại trừ trông chờ vào các phiên hội chợ. Trong khi đó, thế hệ trẻ xuất thân từ làng nghề không phải ai cũng mặn mà với nghề truyền thống. Trước thực tế này, ông Nguyên đề xuất, các cơ quan, tổ chức xã hội, những người làm công tác văn hóa cần sớm đưa ra những phương án hỗ trợ các nghệ nhân lớn tuổi quảng bá các sản phẩm truyền thống trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng tạo trong nghề thủ công truyền thống