Nếu học môn Ngữ văn chỉ với mục đích “học để thi” thì luôn cảm thấy môn văn là một môn khá khó học bởi vì nó thực sự dài và khó nhớ. Đối với nhiều học sinh, môn Ngữ văn đã thực sự là một cửa ải nan giải.
Học văn đã khó, học văn học nước ngoài lại càng khó hơn nhiều. Khi học văn mà không có hứng thú, tâm trạng của người học sẽ giống như một “mớ bòng bong”, càng học càng rối và kết quả cuối cùng là “học trước quên sau” hoặc “chữ thầy lại trả thầy”.
Mới đây, một số trường THPT ở TP HCM đã tiến hành thử nghiệm những phương pháp dạy học môn Ngữ văn với nhiều mới mẻ, sáng tạo, nhằm mục đích khơi gợi giúp học sinh nhìn nhận về môn Ngữ văn theo chiều hướng tích cực và dễ học hơn. Đơn cử như Trường PTTH Nguyễn Khuyến (Quận 10) đã tổ chức các chuyên đề “Tác phẩm văn học qua tranh vẽ”. Những bức tranh có thể là chân dung các nhân vật trong mỗi tác phẩm. Với cách dạy học này học sinh vừa học vừa sáng tạo, vừa vui nên đem lại được những cảm xúc mới mẻ cuốn hút khi học môn Ngữ văn.
Không chỉ thế để nâng cao hiệu quả của việc cảm thụ các tác phẩm văn học nước ngoài, tổ Văn Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) cũng sáng tạo nên một hoạt động trải nghiệm mang tên “Đông Tây hội ngộ”. Học sinh tham gia vào một số hoạt động hấp dẫn như sáng tác tập san về Văn học nước ngoài, trưng bày các sản phẩm và tác phẩm mang bản sắc văn hóa của một quốc gia nào đó với nhiều hứng thú, sáng tạo và trải nghiệm.
Còn tổ Văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) đã thực hiện dự án “có thư ngoài cửa” để nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Mỗi học sinh khi tham gia “dự án” sẽ tự tay viết một lá thư cho mình yêu mến hoặc ngưỡng mộ. Sau mỗi tuần sẽ chọn lựa ra bức thư hay nhất và chuyển thể phát thanh trên cổng thông tin của trường. Hoạt động của “dự án” này không gây cảm giác nhàm chán với việc học môn Ngữ văn và đem lại những thành công ngoài mong đợi.
Như thế, để thúc đẩy học sinh tích cực học môn Ngữ văn một cách có hiệu quả thì việc sáng tạo đổi mới cách giảng dạy và truyền thụ kiến thức luôn là việc làm cần thiết hàng ngày và chẳng khi nào là quá muộn đối với mỗi giáo viên.