“Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?”

Trần Duy Hưng 15/07/2015 07:00

Đầu thế kỷ 20, nhà văn Ngô Tất Tố có viết tác phẩm miêu tả một cô gái mới lớn bỏ nhà ra đi. Nhà văn đã “mách” cho bố mẹ cô gái – nhân vật trong truyện của mình khi họ vất vả đi tìm cô, rằng: “Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?”. Đầu thế kỷ 20 cụ Tố muốn ám chỉ những tác phẩm văn chương lãng mạn cổ xúy cho lối sống tự do là nguyên nhân hư hỏng, học đòi của đám thanh niên. Sang đầu thế kỷ 21 này, nhìn những vụ án mạng dã man mà kẻ gây án có gương mặt mới lớn, thấy đâu đó nguyên nhân từ việc “buông thả

“Sao không hỏi  Tự Lực Văn Đoàn?”

Nhiều bạn trẻ hiện nay đang phát triển khá lệch lạc, thiếu định hướng.

Những ai quan tâm tới đời sống văn học, báo chí nước nhà những năm đầu thế kỷ 20, hẳn có đọc tiểu phẩm “Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?” của nhà văn Ngô Tất Tố. Trong đó, nhà văn kể-đại ý-có cô gái tên Nội, tuổi 16, 17, một hôm cô viết thư để lại cho bố mẹ rồi bỏ nhà đi, theo cô là vì giờ cô đã lớn, muốn thoát khỏi cuộc sống gia đình- khi đó vốn bị ràng buộc bởi những lễ giáo phong kiến, có phần khắt khe; muốn ra ngoài để tìm kiếm một cuộc sống tự do, phóng khoáng hơn.

Cần nói thêm, trong bối cảnh xã hội đầu thế kỷ 20, đây là việc…cực sốc! Bố mẹ cô gái, đương nhiên vô cùng lo lắng, đăng tin trên báo tìm cô, theo kiểu “tìm trẻ lạc”. Đọc tin này, nhà văn Ngô Tất Tố-trong tiểu phẩm-đã mách bố mẹ cô Nội rằng: “Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?”

Tự Lực Văn Đoàn, như đã biết, trong tôn chỉ và trong các sáng tác văn chương của mình khi ấy chủ trương cổ xúy cho tự do cá nhân, chống lại những tư tưởng, lề thói Nho giáo- theo Văn Đoàn - là cổ hủ, lạc hậu, kìm nén con người, nhất là phụ nữ. Trong khi cụ Ngô, ngoài là nhà văn còn là một nhà Nho học, ông không dễ đồng tình với việc cổ xúy trên của Tự Lực Văn Đoàn, đã sử dụng văn chương, báo chí để phản bác lại.

Theo nhà văn, với việc tuyên truyền, cổ xúy cho lối sống tự do, vượt ra ngoài những giá trị được cho là chuẩn mực, khuôn phép khi ấy, Tự Lực Văn Đoàn đã “làm hư” xã hội. Trong tiểu phẩm “Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?”, bằng giọng văn châm biếm, cụ chỉ ra rằng việc một cô gái mới lớn, sống ở đầu thế kỷ 20-dám bỏ nhà đi, dấn thân vào “đời mưa gió” sâu xa là do nghe theo sự “xúi giục” của Văn Đoàn này…

Nhắc lại cuộc tranh luận thú vị trong đời sống văn học, báo chí trước đây không phải để bàn giữa Tự Lực Văn Đoàn và “Ông đầu xứ Tố” ai đúng ai sai mà để nhận thức rõ hơn một điều: Môi trường sống, môi trường xã hội tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức, hành vi của con người…

Mấy ngày qua, cả xã hội thêm một lần nữa rúng động trước thông tin 6 người trong một gia đình ở tỉnh Bình Phước bị thảm sát cùng lúc. Nói “thêm một lần nữa” là bởi trước đó xã hội cũng đã nhiều phen rúng động, chao đảo trước những vụ thảm sát kinh hoàng tương tự. Càng rúng động hơn khi lần này-như nhiều lần trước-nghi phạm, theo công bố của cơ quan chức năng, vẫn là những thanh niên còn rất trẻ…

Vì sao hai nghi phạm dám ra tay giết tới 6 người cùng lúc, thì nhà chức trách đã chính thức công bố: Vì hận tình, vì muốn trả thù và vì muốn cướp của. Nhưng, nếu đúng như vậy, thì đó cũng chỉ là lý do trực tiếp. Câu hỏi lớn cả xã hội đang đặt ra là căn nguyên sâu xa của tội ác man rợ này và nhiều tội ác man rợ tương tự khác đã từng xảy ra xuất phát từ đâu? Và, vì sao thủ phạm/nghi phạm của những tội ác man rợ này đều thường là những người còn rất trẻ? Như vụ thảm sát ba người trong một gia đình ở Bắc Giang trước đó, thủ phạm còn chưa đủ tuổi vị thành niên?

Không quá khó để trả lời những câu hỏi này! Đó là do môi trường xã hội lâu nay có quá nhiều thứ, nhiều điều bất ổn; sống, ngụp lặn trong đó tâm hồn người ta không bị “nhuộm đen” mới lạ. Giới trẻ-với đặc tính bồng bột, thiếu chín chắn, dễ hấp thụ-chính là đối tượng dễ bị “nhuộm đen” nhất. Có thể kể ra hàng loạt các loại “phẩm màu” đã và đang “tích cực” làm việc trên.

Đó là, trong nhà trường, việc giáo dục lâu nay được cho là chỉ nặng việc nhồi nhét kiến thức, xem nhẹ việc giáo dục nhân cách; đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng khiến nhiều thanh niên vào đời lâm cảnh thất nghiệp. N

goài xã hội, nhan nhản những chuyện tiêu cực, hết gian lận, lừa đảo, tham ô, tham nhũng lại đến đâm chém, cướp, giết, hiếp, được báo chí, mạng xã hội mô tả một cách tỷ mỷ. Cũng trên các mạng xã hội, chưa bao giờ lại có nhiều và dễ dàng tiếp cận những chuyện, những hình ảnh dung tục như hiện nay.

Ngạc nhiên nhất là một vài người được gọi là ca sỹ, người mẫu, thay bằng các hoạt động nghệ thuật, lại chỉ thấy suốt ngày xuất hiện trên mạng, trên báo để khoe da thịt. Phim ảnh, âm nhạc cũng vậy, ngày càng thiếu vắng những sản phẩm nghệ thuật đích thực, trong đó phim thì cứ phải “vịn” vào “cảnh nóng” mới “sống” được; âm nhạc thì thừa mứa những sản phẩm mà nội dung, ca từ chỉ luẩn quẩn những nỗi niềm u uất cá nhân; giai điệu thì không dậm dựt cũng quằn quại, gầm rú; hướng con người ta đến cái đẹp, cái thiện thì ít; bào mòn, giết chết phần người, nuôi dưỡng, kích thích phần con thì nhiều…

Cả xã hội sẽ nhận được gì nếu tất cả chúng ta vô cảm để môi trường sống tiếp tục bị ô nhiễm như vừa dẫn ra ở trên. Tội ác sẽ không bớt đi mà còn có nguy cơ trầm trọng hơn nếu báo chí và mạng xã hội coi mỗi một vụ án mạng như một “miếng mồi ngon” để dẫn dụ người đọc vào mớ hổ lốn các chi tiết rùng mình, các thông tin thiếu kiểm chứng, chụp giật, đồn thổi thiếu căn cứ.

Hôm qua, 14/7, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề nghị các cơ quan báo chí khẩn thiết dừng ngay việc thông tin thiếu căn cứ về vụ án.

“Yêu cầu các cơ quan báo chí không gây áp lực tin tức câu khách buộc nhà báo phải vi phạm đạo đức nghề nghiệp, rũ bỏ trách nhiệm công dân của nhà báo. Một cơ quan báo chí chân chính cần phải biết, hiện nay công chúng đòi hỏi thông tin nhiều vấn đề, nhiều mặt của xã hội nên đừng tự làm mất lòng tin bằng cách chạy theo loại tin ly kỳ như vụ án ở Bình Phước hiện nay!”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO