Hàng loạt dự án bất động sản, khu dân cư tại tỉnh Đồng Nai được xác định có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai. Trong đó, có một số khu đất “vàng” đã được “phù phép” chuyển đổi từ đất công sang “đất ông”.
Từ những khu “đất vàng” bị “xẻ thịt”…
Dự án khu dân cư (KDC) Phước Thái (phường Tam Phước), TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có diện tích gần 9ha. Tọa lạc ngay mặt tiền quốc lộ 51, dự án hình thành ở vị trí được xem là “đất vàng” này do Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái làm chủ đầu tư.
Ngày 26/6/2017, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 2152/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao hơn 4ha đất ở (thời hạn sử dụng 50 năm) cùng hơn 3,7ha đất xây dựng cơ sở hạ tầng (không thu tiền sử dụng đất) và cho thuê trên 1ha sử dụng vào mục đích thương mại - dịch vụ (hình thức trả tiền 1 lần). KDC Phước Thái được xác định là dự án xây dựng kết hợp thương mại - dịch vụ, tuy nhiên UBND tỉnh Đồng Nai lại giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là việc khu đất này đã được bồi thường, hỗ trợ lần 1 vào năm 2007, nhưng khi lập dự án, chủ đầu tư đã thông đồng với nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương “phù phép” hồ sơ để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thêm một lần nữa từ ngân sách với số tiền gần 80 tỷ đồng.
Vụ việc được phát giác khi dư luận, nhân dân lên tiếng. Sau thời gian xác minh, điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhiều cán bộ, lãnh đạo từ cấp phường, đến các sở, ngành của tỉnh để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự.
Cách đó không xa là dự án KDC Bình Đa (phường Bình Đa, TP Biên Hòa) nằm ngay mặt tiền đường Vũ Hồng Phô. Đây cũng là một trong những khu đất nằm ở vị trí đắc địa, được xem là “đất vàng” ở TP Biên Hòa. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi hơn 2ha đất của Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico, thuộc UBND tỉnh Đồng Nai) để giao cho Công ty cổ phần phát triển nhà Bình Đa (Bidaco) thực hiện dự án nói trên. Theo đó, tháng 6/2016, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KDC Bình Đa. Cụ thể, dự án có 235 căn nhà, diện tích sàn khoảng 44.762m2, gồm: nhà chung cư 144 căn, nhà liền kề 77 căn và nhà biệt thự 14 căn. Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 400 tỷ đồng. Sau đó 1 năm, UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định điều chỉnh tăng từ 235 căn lên con số 325 căn, diện tích xây dựng hiện hữu lên hơn 54.000m2, vốn đầu tư gần 720 tỷ đồng. Tháng 12/2019, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định dừng thực hiện dự án nhằm đảm bảo các thủ tục cho việc chuyển đổi mục tiêu dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật. Cũng vào thời điểm này, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra dấu hiệu sai phạm. Đến tháng 9/2020, Thanh tra tỉnh Đồng Nai có quyết định thanh tra toàn diện đối với dự án khu dân cư Bình Đa.
Tháng 4/2022, Thanh tra tỉnh Đồng Nai ban hành kết luận thanh tra khẳng định trong quá trình triển khai thực hiện dự án KDC Bình Đa, Dofico đã có nhiều sai phạm trong việc thuê đất, gia hạn thuê đất, góp vốn thành lập Công ty Bidaco. UBND TP Biên Hòa vi phạm trong thỏa thuận địa điểm. UBND tỉnh Đồng Nai quyết định chủ trương đầu tư không đúng quy định, giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Kết luận của Thanh tra cũng chỉ rõ 8 tổ chức có liên quan đến sai phạm gồm: UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP Biên Hòa, Dofico và Công ty CP thẩm định giá Đồng Nai.
Điểm chung của 2 dự án nói trên đó là những thửa đất công (tài sản nhà nước) đều đã bị đem ra “xẻ thịt” theo nhiều hình thức khác nhau, và đất công đã bị “phù phép” thành “đất ông”. Cả 2 dự án cũng đã bị cơ quan chức năng khởi tố vụ án, nhiều cán bộ, lãnh đạo cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra theo đúng quy định pháp luật.
...Đến gần 500 căn biệt thự xây trái phép
KDC Tân Thịnh ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom vừa được đưa vào diện “Trung ương theo dõi” cũng là một trong những dự án có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Dự án này được ví như câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Tháng 9/2016, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận thỏa thuận địa điểm đầu tư dự án KDC Tân Thịnh do Công ty cổ phần đầu tư LDG làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án có tổng diện tích hơn 18ha với các hạng mục gồm: chung cư cao 7-9 tầng, nhà liền kề có sân vườn cao 3-4 tầng, biệt thự 2-3 tầng cùng một số tiện ích về y tế, thương mại dịch vụ, công trình công cộng.
Dù chưa có đầy đủ các thủ tục thực hiện dự án theo quy định nhưng Công ty cổ phần đầu tư LDG vẫn tiến hành xây dựng. Điều đáng nói, dự án được thực hiện trên nhiều diện tích là đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn và đất lúa. Cụ thể, công ty này đã xây dựng hoàn thiện phần thô 488 căn nhà (gồm 198 căn biệt thự và 290 căn nhà liền kề) cùng với đó là triển khai san nền, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt tỷ lệ khoảng 60%.
Với những sai phạm này, ngày 15/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần đầu tư LDG số tiền 540 triệu đồng về hành vi “chiếm đất để sử dụng trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất”; buộc chủ đầu tư nộp số tiền gần 6 tỷ đồng thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. UBND tỉnh Đồng Nai còn buộc Công ty cổ phần đầu tư LDG thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định.
Tháng 6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Thanh tra tỉnh này khẩn trương thực hiện thanh tra toàn diện đối với dự án này; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để điều tra, xử lý hình sự theo quy định.
Những vụ việc nêu trên là điển hình của quá trình buông lỏng quản lý kéo dài về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc những dự án này đã được lãnh đạo, nguyên lãnh đạo địa phương phê duyệt thực hiện, với những dấu hiệu phạm pháp, biến đất công thành “chùm khế ngọt” của những ai?
Thanh tra 10 dự án đất đai tại tỉnh Đồng Nai
Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, từ nay đến hết năm 2022 sẽ thanh tra 10 dự án đất đai tại một số địa phương của tỉnh Đồng Nai về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. 10 dự án đất đai bị thanh tra gồm có 6 dự án ở TP Biên Hòa , trong đó có 4 dự án tại phường Tam Phước của Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Đại Phát; 2 dự án tại xã Long Hưng của Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Long Hưng Phát, Công ty CP Southern Golden Land.
4 dự án còn lại là của Công ty CP Đầu tư LDG ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom; dự án của Công ty CP Long Thành Riverside tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành; dự án của Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An tại xã Long Đức, huyện Long Thành và dự án tại xã Phước An huyện Nhơn Trạch của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quang Vinh.
Trong số 10 dự án thanh tra có 2 dự án đang bị thanh tra, kiểm tra và khởi tố, thanh tra của Bộ TNMT sẽ xem xét hồ sơ, nội dung đã làm việc sau đó mới quyết định cụ thể. 2 doanh nghiệp đang bị thanh tra, khởi tố đó là Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái tại dự án KDC Phước Thái và Công ty CP Đầu tư LDG có dự án KDC Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom vừa được đưa vào diện Trung ương theo dõi.
TƯỜNG LAM
Luật sư Trần Tấn Phát (Đồng Nai):
Trách nhiệm không nhỏ của lãnh đạo địa phương
“Những vụ việc sai phạm liên quan đến đất đai phần lớn hồ sơ đều bị “bóp méo”. Trong đó, có trách nhiệm không nhỏ của lãnh đạo địa phương. Hơn ai hết, họ là những người nắm luật trong tay, là những lãnh đạo có tiếng nói, thì càng phải thượng tôn pháp luật nhưng họ lại làm sai. Điển hình như tại dự án KDC Bình Đa, hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đã bị Thanh tra nhắc đến trong kết luận Thanh tra số 44/KL-TTr ngày 8/4/2022 về việc thanh tra toàn diện Dự án KDC Bình Đa tại phường Bình Đa, do Công ty cổ phần Phát triển nhà Bình Đa làm chủ đầu tư. Những vi phạm tại các dự án đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại và có nguy cơ thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai:
Đất đai không thể là “mỏ vàng” cho cá nhân trục lợi
Bản thân tôi là đảng viên, nhưng thời gian qua thấy nhiều đảng viên là lãnh đạo tỉnh, thành phố tại Đồng Nai bị khởi tố, bắt giam liên quan đến các dự án đất đai thì thấy rất buồn. Là đảng viên nhưng không nêu gương, không làm tốt vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân thì cần phải loại bỏ. Đất đai không thể là “mỏ vàng” để họ trục lợi được. Cần phải xử lý nghiêm minh.
Bà Phan Thị Kim Thanh - phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai:
Hy vọng, các vụ việc sẽ sớm được đưa ra xét xử
Qua theo dõi các vụ việc sai phạm về đất đai, người dân rất bức xúc vì sai phạm diễn ra liên tục. Nhìn chung, những vụ việc này đều có sự tiếp tay từ cán bộ, lãnh đạo. Nếu họ công minh, liêm chính thì lợi ích nhóm không thể tồn tại được. Hy vọng, các vụ việc sẽ sớm được đưa ra xét xử. Dư luận ở Đồng Nai và cả nước đang rất kỳ vọng vào sự nghiêm minh của pháp luật.