Giữa trưa 22/9, ngôi biệt thự Pháp cổ 3 tầng, số 107 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ bị đổ sập khiến hàng chục người bị vùi lấp và thương vong. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để khắc phục hậu quả, tìm kiếm các nạn nhân. Nguyên nhân dẫn đến vụ sập nhà bước đầu được xác định là do nhà đã quá cũ nát.
Hiện trường vụ sập biệt thự cổ số 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tiếp tục tìm kiếm người mắc kẹt
Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 1095/KCB-QLCL ngày 22/9/2015 gửi Sở Y tế TP Hà Nội đề nghị khẩn trương chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn, phối hợp với BV Hữu nghị Việt Đức và các BV Trung ương trên địa bàn TP Hà Nội nhanh chóng xử lý khắc phục hậu quả vụ tai nạn sập căn nhà cổ trên phố Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội. Cục đề nghị Sở tăng cường tối đa nguồn lực, thuốc men hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân. Ngọc Kha |
Theo người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khoảng 12 giờ 40 phút ngày 22-9, sau một tiếng rầm lớn, một phần của ngôi biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ bị đổ sập ra hai bên. Đống gạch vữa, bê tông đổ sập xuống chắn ngang hai ngõ ở hai bên ngôi nhà kèm theo làn khói bụi mù mịt. Hàng trăm người dân xung quanh hoảng loạn chạy và báo tin cho lực lượng chức năng. Bên trong ngôi nhà bị sập, nhiều tiếng kêu cứu thất thanh người dân liều mình vào đống đổ nát giải cứu được một số nạn nhân ra ngoài.
Theo quan sát của phóng viên, ngôi biệt thự cổ bị sập 3 tầng, diện tích khoảng 300 mét vuông. Khối nhà trước và sau bị ảnh hưởng nhẹ, vỡ một số cửa kính. Ngôi nhà bị sập theo phương thẳng đứng, một phần gạch, bê tông đã đổ tràn ra hai bên lối đi, dẫn đến làm hư hỏng tài sản của các hộ xung quanh. Ngay khi nhận được tin báo lực lượng công an, quân đội, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, PCCC và các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ việc. Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo sơ tán tất cả các hộ dân xung quanh ra ngoài để đảm bảo an toàn. Quận Hoàn Kiếm cũng bố trí cho các hộ dân phải sơ tán có nơi ăn, nghỉ và bảo vệ tài sản cho nhân dân.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa các tuyến đường khu vực xung quanh để đảm bảo cho công tác cứu hộ, cứu nạn được thuận lợi. Công tác cứu hộ được thực hiện rất khẩn trương, lực lượng cứu hộ huy động máy xúc, máy khoan cắt bê tông để đào bới đống đổ nát, tìm kiếm nạn nhân. Nhiều xe cứu thương cùng lực lượng y, bác sỹ túc trực ở hiện trường sẵn sàng đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Theo người dân, đây là căn biệt thự được chia ra nhiều căn hộ cho các hộ dân sinh sống. Ở tầng 1 của ngôi biệt thự là nơi để trông xe và chợ buôn bán, các tầng trên có nhiều hộ sinh sống.
“Tôi đăng ăn cơm bỗng nghe tiếng rầm rất lớn khiến tôi giật mình, văng cả bát cơm xuống đất. Ngó qua cửa sổ thì thấy khói bụi mù mịt và ngôi nhà cao tầng đổ nát ngổn ngang. Một số người quần áo bụi lấm len, Có nhiều người bê bết máu chạy ra ngoài khiến cả phố náo loạn. Mới đầu chúng tôi cứ nghĩ là nổ bình ga nhưng sau biết là không phải…” chị Nguyễn Thị Duyên (đối diện với nhà 107) bàng hoàng kể lại.
Chưa hết bàng hoàng sau chết hụt, bà Trần Thị Sửu cho biết, “Tôi đang ngồi ở trong nhà thì trần nhà bỗng dưng đổ sập, các bức tường bửa ra hai bên và sập xuống. Tôi bị gạch vữa đè lên người nên bị thương ở chân và tay. Ba mẹ con tôi mắc kẹt trong nhà nên la hét lên kêu cứu. Sau khi nghe tiếng kêu cứu, người dân đã đến hỗ trợ, cứu ba mẹ con tôi ra ngoài. Ít phút sau tôi quay lại quan sát thì nơi mình từng bị mắc kẹt đã đổ sập hoàn toàn. Chậm ít phút nữa thì…”.
Sau nhiều nỗ lực đào bới, lực lượng chức năng đã đưa được nhiều nạn nhân bị mắc kẹt ra khỏi tòa nhà. Ngay lập tức, xe cứu thương đưa các nạn nhân đi các bệnh viện cấp cứu. Chiều ngày 22-9, Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức đông bất thường bởi hầu hết các nạn nhân trong vụ sập biệt thự cổ đều được đưa vào đây cấp cứu.
Theo các bác sỹ Bệnh Viện Việt Đức, có 5 nạn nhân vụ sập nhà được đưa vào viện trong tình trạng bị thương nặng. Công tác cấp cứu các nạn nhân được thực hiện rất khẩn trương, công tác an ninh khu vực này cũng được thắt chặt để tạo điều kiện cho công tác cứu chữa. Sau một hồi cấp cứu, nạn nhân Lê Thị Hường (47 tuổi, quê ở Thường Tín, Hà Nội) đã tử vong tại bệnh viện.
Bác sỹ Đinh Viết Khải (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, nạn nhân Lê Thị Hường đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Các bệnh nhân khác vẫn trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương. Các nạn nhân bị nhẹ hơn thì chuyển sang Bệnh viện Xanh Pôn để giảm tải cho Bệnh viện Việt Đức.
Hiện đã xác nhận 2 nạn nhân tử vong và 6 người bị thương
Trao đổi với phóng viên tại Bệnh viện Việt Đức, bà Đào Thị Hiện (một người bị thương) cho hay: Khi bà đang bán cá ở tầng 1 của ngôi nhà thì bất ngờ nghe tiếng nứt tường rồi đổ sập. Bà Hiện cho biết, lúc xảy ra vụ sập trong nhà khá đông người nhưng bà không nhớ rõ số lượng là bao nhiêu người.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoa- Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thời điểm xảy ra vụ việc, các cán bộ ngành đường sắt đi ra ngoài ăn trưa nên không ai bị thương. Những người bị thương là người dân hai bên xung quanh căn nhà sập.
Biệt thự sập do “quá đát”
Trao đổi với báo chí, Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, ngôi biệt thự bị sập là biệt thự cổ thuộc diện bảo tồn, thuộc sự quản lý của Ban quản lý đường sắt khu vực 1 sử dụng từ những năm 1960, đã qua nhiều lần sửa chữa và hiện nay đã xuống cấp. Mưa liên tục nhiều ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.
Lúc 12h35 ngày 22/9, cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 phát hiện tường tòa nhà nứt nên báo cáo lãnh đạo Ban quản lý và Ban quản lý đã kịp thời sơ tán toàn bộ nhân viên ra khỏi tòa nhà. Đến 12h40 cùng ngày, toàn bộ tầng 2 của tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo bị đổ sập.
Có mặt tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, bước đầu có thể xác định nguyên nhân vụ việc do ngôi nhà quá cũ nát, hết hạn sử dụng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và nhiều chuyên gia của Cục Giám định nhà nước cũng trực tiếp xuống hiện trường vụ sập nhà để kiểm tra. Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, hướng giải quyết là tiếp tục đào bới đống đổ nát để đưa người bị thương ra ngoài, khoanh vùng, hạn chế các phương tiện đi lại trong khu biệt thự còn ảnh hưởng.
Đến 18h cùng ngày, lực lượng cứu hộ phát hiện thêm nạn nhân Trần Thị Nga bị thương bất tỉnh trong đống đổ nát. Bà Nga được đưa ra ngoài trong tình trạng rất nguy kịch, các bác sỹ phải dùng biện pháp sốc tim để cứu chữa nạn nhân trước khi đưa lên xe cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong trước khi đến BV Việt Đức. Đến tối 22/9, lực lượng chức năng vẫn phong tỏa hiện trường vụ việc và tiếp tục khắc phục hậu quả, tìm kiếm các nạn nhân có thể đang bị mắc kẹt.