Bộ Y tế cho biết, tháng 5 này sẽ chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 3 (tiêm trên quy mô lớn) bằng vaccine Nanocovax nội địa. Sau giai đoạn 2 tiến hành hoàn tất.
Dự kiến cuối quý 3/2021 có vaccine ngừa Covid-19 nội địa đầu tiên với quy mô sản xuất 6 triệu liều/tháng.
Tiêm chủng cấp độ an toàn cao
Sáng 23/3 Bộ Y tế thông báo, tiêm hơn 36.000 liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 tại 16 tỉnh thành, chưa ghi nhận phản ứng rối loạn đông máu sau tiêm.
Cụ thể, cập nhật mới nhất của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca mà Việt Nam sử dụng cho thấy, 3 tuần sau tiêm liều 1 vaccine, hiệu lực bảo vệ đạt 76%, liều 2 sau liều 1 từ 4-12 tuần và hiệu lực bảo vệ đạt 82%. Bộ Y tế cũng cho biết dữ liệu về tính an toàn và hiệu lực của vaccine với người trên 65 tuổi còn hạn chế, vaccine này có thể chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nhiễm HIV, người bị suy giảm miễn dịch... Nếu những người này thuộc nhóm nguy cơ cao, và lợi ích của tiêm vaccine là vượt trội so với nguy cơ.
Việc đưa một vaccine mới như vaccine ngừa Covid-19 vào sử dụng trên diện rộng đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu. Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất, có sự khác biệt so với những nước khác, kể cả các nước tiên tiến.
Theo Bộ Y tế, các điểm tiêm được yêu cầu phải bảo đảm về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, đã được tập huấn tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi 30 phút sau tiêm mới tổ chức tiêm ngừa Covid-19. Trong số người được tiêm, các phản ứng hay gặp nhất là sưng, đau nơi tiêm, một tỉ lệ nhỏ (0,7%) gặp phản ứng mạnh hơn như sốt, rối loạn huyết áp, bồn chồn, choáng, phù mạch vị trí tiêm..., nhưng tất cả đã ổn định sức khỏe.
Nguồn vaccine lớn nhất và rõ nhất của Việt Nam cho đến nay là vaccine do Bộ Y tế mua của Hãng AstraZeneca thông qua Công ty VNVC (30 triệu liều). Lô đầu tiên trong số này đã về ngày 24/2. Tiếp theo đó là nguồn hỗ trợ miễn phí của COVAX Facility (sáng kiến chung nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19) cũng là 30 triệu liều. Lô vaccine (1,37 triệu liều) đầu tiên trong số vaccine của COVAX dự kiến có thể về Việt Nam ngày 25/3. Lô kế tiếp sẽ về cuối tháng 4 (2,8 triệu liều).
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, do nguồn cung trên thế giới khó khăn, việc xuất khẩu vaccine tại các nước sản xuất bị hạn chế, các lô vaccine này có thể bị lùi thời gian cung ứng. Theo đó, số vaccine COVAX còn lại dự kiến về Việt Nam vào quý 3/2021 có thể bị lùi thời gian cung ứng sang năm 2022.
Phê duyệt vaccine phòng Covid-19 Sputnik V
Bộ Y tế cho biết, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVACvac) đang đàm phán với nhà sản xuất vaccine Sputnik V với số lượng tối đa và cung ứng trong thời gian sớm. Song hiện chưa có kế hoạch và số lượng có thể cung ứng cho Việt Nam. Việt Nam cũng đàm phán mua vaccine Pfizer (Mỹ). Cuối tuần qua, Hãng đã thông báo có thể bán cho Việt Nam 31 triệu liều, lộ trình cung ứng chi tiết sẽ thông báo sớm.
Ngày 23/3, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường ký Quyết định số 1654/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V) của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) là cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine này. POLYVAC có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vaccine phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu, hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vaccine và chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến vaccine.
Cục Quản lý Dược sẽ cấp phép nhập khẩu vaccine theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu cũng như thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Bộ Y tế cũng giao Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine. Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và Sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định vaccine trước khi đưa ra sử dụng.
Thêm 15 người tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC
PGS.TS.BS Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết sáng ngày 23/3 có thêm 15 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC của IVAC. Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ 2 do Việt Nam sản xuất đang thử nghiệm lâm sàng. Do điều kiện người tiêm thử nghiệm phải lưu trú trong 24h để theo dõi nên sáng 23/3 chỉ có thể tiêm tối đa cho 15 người. Mỗi buổi sẽ có 8 người nam và 7 nữ hoặc 8 nữ 7 nam. Độ tuổi của người tiêm từ 18-59. Buổi tiêm tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ngày 25/3, cũng với 15 người tình nguyện. Trước đó, sáng ngày 15/3, nhóm 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine COVIVAC.