Sát cánh trong hoạn nạn là nét văn hóa của người Việt

Việt Quỳnh (thực hiện) 03/10/2023 08:24

Sau khi tìm hiểu thông tin về đám cháy ở chung cư mini Khương Hạ, chỉ sau một ngày kêu gọi, họa sĩ Lê Thế Anh cùng đồng nghiệp đã nhận được gần 300 tác phẩm từ các họa sĩ trong cả nước gửi về. Sau hai ngày kêu gọi bán tranh, các anh có được hơn 500 triệu đồng. Ngay lập tức, các họa sĩ đã đến các bệnh viện để chuyển số tiền đến với từng nạn nhân, đặc biệt đối với các cháu bé…

Họa sĩ Lê Thế Anh.

Sự đùm bọc, yêu thương, chia sẻ khi người khác gặp hoạn nạn, với họa sĩ Lê Thế Anh, là điều rất mực tự nhiên, liên quan đến truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt, sinh ra từ luỹ tre làng.

Họa sĩ Lê Thế Anh cũng là người sinh ra từ làng. Trong làng quê anh, bất cứ gia đình nào có tang ma, đại sự, hiếu hỉ, hay gặp chuyện không may, người làng đều xúm vào cùng chung tay giúp đỡ.

Sau này khi ra khỏi luỹ tre làng và trở thành một giảng viên, họa sĩ Lê Thế Anh mới thấy cuộc sống phía bên ngoài những luỹ tre, từ thành phố tỏa ra trên khắp đất nước, ở đâu cũng cần sự yêu thương chia sẻ. Nhất là khi cuộc sống giờ đây ngày càng nhiều bất an phát sinh từ dịch bệnh, thiên tai, hiểm họa:

“Vụ cháy chung cư mini vừa rồi là một trong những hiểm họa xảy ra với đời sống con người. Tai nạn bất thường sẽ gây ra những hệ luỵ nặng nề về tính mạng, nỗi đau thể xác và chấn thương tâm lý kéo dài”, họa sĩ Lê Thế Anh tâm sự. “Là một nghệ sĩ, tôi mong được chung tay vào các hoạt động thiện nguyện, với ý nghĩ có thể lan truyền tình yêu thương, sự tử tế và giúp đỡ người bị nạn vượt qua được khó khăn, bộn bề trong cuộc sống, để có thể khắc phục làm lại từ đầu”, họa sĩ bày tỏ.

Hình ảnh anh shipper Nguyễn Đăng Văn lao vào đám cháy cứu người, sự tích cực trong cứu hộ cứu nạn của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, của người dân hay tình người đùm bọc với những nạn nhân sau đám cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) làm ấm lòng biết bao trái tim… Chính những chia sẻ yêu thương ấy đã làm nên vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Cũng giống như cách hỗ trợ nhiều hoàn cảnh trước đây, họa sĩ Lê Thế Anh cùng đồng nghiệp quyên góp tranh để lập quỹ ủng hộ các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini Khương Hạ. Anh rất mừng vì lần nào làm chương trình thiện nguyện đều nhận được sự ủng hộ của các họa sĩ trên cả nước. Lần này anh có sự đồng hành của họa sĩ Toán Nguyễn, vì thế sức lan tỏa của chương trình rất rộng và nhanh:

“Hiện tại chúng tôi tìm hiểu các nạn nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang điều trị 29 bệnh nhân. Chúng tôi cũng sẽ sắp xếp để về quê các nạn nhân. Ngoài số tiền mà các nhà hảo tâm, họa sĩ ủng hộ, chúng tôi mong muốn được thay mặt họ để gửi những lời động viên, chia sẻ, mong các nạn nhân có thể vượt qua được nỗi đau và ổn định lại tâm lý để bắt đầu một cuộc sống mới, vì tất cả còn đang ở phía trước và cuộc sống còn đang tiếp diễn.

Họa sĩ Lê Thế Anh cùng đồng nghiệp chia sẻ với các nạn nhân vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Người Việt có câu "Của cho không bằng cách cho", do vậy chúng tôi mong muốn sự ủng hộ chia sẻ sẽ không chỉ là sự động viên chia sẻ đơn thuần về vật chất mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt, là luôn sát cánh bên nhau, nhất là những lúc hoạn nạn. Sự đồng hành của cộng đồng, mỗi khi hoạn nạn, sẽ khiến cho chúng ta thấy rằng cuộc sống luôn là những điều tốt đẹp và thử thách chỉ là tạm thời mà thôi”.

Khi đến thắp hương tại đền làng Khương Hạ, nơi tưởng niệm các nạn nhân xấu số, họa sĩ Lê Thế Anh thấy tim mình thắt lại khi gặp nhiều người dân cũng đến đây chia sẻ. Anh nhìn những gương mặt thất thần, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Một không khí xúc động bao trùm, mà bất cứ ai khi đến đều thấy rất rõ.

“Chúng tôi đến Bệnh viện Quân y 103, để chia sẻ với 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương khi chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đang được chữa trị tại đây. Khi gặp các anh, câu đầu tiên mà chúng tôi nhận được, đó là, các bạn hãy quay trở lại để ủng hộ cho những người dân thường bị tai nạn trong vụ cháy, còn với chúng tôi đây là nhiệm vụ chúng tôi phải làm, và chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì sự yên bình của người dân. Điều đó khiến tôi cảm kích, cảm phục, sự hy sinh của người chiến sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu khi mà chỉ qua những thiên tai hiểm họa như thế này mới thấy rõ được.

Chúng tôi cũng gặp các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai. Ở mỗi bệnh viện nơi chúng tôi đến, đều là những câu chuyện cảm động về tình người. Như gia đình của một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chính gia đình chị mở cửa để các cháu nhỏ chạy vào nhà mình, trong đó có một cháu bé được cứu sống, trong khi cả nhà bé đã không qua khỏi.

Giờ bé mồ côi cả cha lẫn mẹ và người thân. Chúng tôi xác định rằng tất cả những bệnh nhi hoặc mồ côi bố mẹ, chúng tôi sẽ ủng hộ nhiều nhất có thể, vì trẻ em còn một tương lai rất dài ở phía trước, để học hành và trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Tôi cũng gặp một chị ở Bệnh viện Xanh Pôn, đến bây giờ vẫn chưa biết con gái đã mất, vì gia đình không muốn chị đang điều trị bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng tôi cũng không thể hình dung được một ngày gần nhất khi chị ra viện, biết con gái chị không còn nữa thì nỗi đau của chị sẽ lớn đến nhường nào. Đôi khi nỗi đau về thể xác lại không dai dẳng như nỗi đau về tinh thần”.

Khi gặp những nạn nhân của vụ cháy, họa sĩ Lê Thế Anh càng thấy rõ cuộc sống là vô thường, vì thế ngay lúc này và ngay bây giờ, anh mong mọi người hãy yêu thương nhau nhiều hơn. Nếu nói được với nhau lời cảm ơn hay xin lỗi hoặc thể hiện lòng trắc ẩn thì nên làm ngay, vì chỉ phút chốc có muốn thì cũng không thể được nữa.

“Tôi là một họa sĩ vẽ về cái đẹp, vì thế tôi cũng mong những điều tốt đẹp sẽ luôn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mình”, họa sĩ Lê Thế Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sát cánh trong hoạn nạn là nét văn hóa của người Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO