Sau đợt mưa lũ những ngày giữa tháng 10 vừa qua, nhiều vị trí ven bờ sông Hương và sông Bạch Yến (phường Hương Hồ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Tại phường Hương Hồ, mưa lớn trong đêm 13/10, kèm theo nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nước dâng lên cao khiến bờ sông Hương và sông Bạch Yến xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Thống kê từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTTTKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ven sông Hương và sông Bạch Yến. Ngoài ra, nhiều tuyến đường cũng bị sụt lún, sạt lở ra phía sông Hương và sông Bạch Yến.
Bà Nguyễn Thị Hường (80 tuổi, trú tại phường Hương Hồ, TP Huế) cho biết, đợt mưa lũ giữa tháng 10 đã khiến khu vườn của bà bị sụt lún xuống sông Bạch Yến. Điểm sạt lở còn cách ngôi nhà của bà đang sinh sống khoảng 5m. Trước thực trạng trên, gia đình bà Hường tạm thời sử dụng cọc tre để gia cố, hạn chế các điểm sạt lở ăn sâu vào ngôi nhà.
“Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp, khiến cuộc sống gia đình tôi cũng như các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng, luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục, để người dân an tâm trong mỗi mùa mưa lũ” - bà Hường tâm sự.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bạn (trú tại phường Hương Hồ, TP Huế) cho biết, sạt lở bờ sông Hương đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Hàng năm, các hộ dân đã mua đất đá bồi đắp, gia cố đất vườn và đường đi xung quanh, nhưng tình trạng sạt lở vẫn xảy ra và ngày càng có chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực.
UBND phường Hương Hồ cho biết, sau đợt mưa lớn, trên địa bàn xuất hiện 6 điểm sạt lở ven sông Hương và sông Bạch Yến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình 2 bên bờ sông trên địa bàn phường.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho biết, phường đã phân công lực lượng tiến hành kiểm tra, nắm tình hình cũng như đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở; kịp thời hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, vận động người dân thực hiện các biện pháp khắc phục, gia cố tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
“Vừa qua, lãnh đạo UBND TP Huế đã kiểm tra hiện trường các điểm sạt lở. Tại đây, địa phương cũng đã đề xuất lên thành phố trong thời gian tới sớm có các biện pháp để gia cố các vị trí sạt lở. Đặc biệt, có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, về lâu dài cần làm kè cố định, để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương” - ông Long thông tin.
Theo Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 21km. Riêng đợt mưa lớn vừa qua, bờ sông Hương tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 5km, sông Bạch Yến bị sạt lở 1,5km… đe dọa trực tiếp đến nhiều hộ dân xung quanh khu vực.
Ông Đặng Văn Hòa - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở, nguy cơ xảy ra sạt lở cao ảnh hưởng đến khu dân cư, hệ thống cơ sở hạ tầng và người dân.
Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương tiến hành rào chắn, cắm biển báo tại những đoạn bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Đồng thời, có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông, trong khu vực sạt lở khi có mưa bão đến.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thường xuyên thông báo, cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở trên địa bàn cho các địa phương chủ động các phương án ứng phó và di dời dân trong trường hợp cấp thiết. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng đầu tư các công trình nằm ở các vùng xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân...
Theo ông Hòa, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống kè bờ sông dài hàng chục km, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân xung quanh, bảo vệ đất đai, hoa màu và các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và diễn biến thiên tai khó lường, khiến tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp.