Sau gần một tuần “đoán già, đoán non” về việc hàng chục tấn cá của người nuôi chết nổi trương phềnh trên sông Mã, cuối cùng cơ quan chức năng cũng đã xác định được nguyên nhân.
Chẳng phải do dịch bệnh hay thay đổi thời tiết khiến nhiều người nuôi trồng thủy sản trắng tay, mà hàng chục tấn cá chết trắng sông là do môi trường nước bị ô nhiễm.
Cụ thể, từ ngày 15/3 đến nay, tại huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) có gần 160 hộ nuôi cá với hơn 200 lồng bè trên sông Mã xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt một cách bất thường. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 13/4, tại huyện này có hơn 15 tấn cá nuôi lồng và khoảng 480kg thủy sản tự nhiên trên sông Mã bị chết.
Lúc đầu, các cơ quan chức năng nghiêng về khả năng cá chết hàng loạt là do dịch bệnh, nên đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Song, kết quả phân tích các mẫu xét nghiệm cho thấy, chỉ số về nồng độ vi khuẩn trong nước đảm bảo trong mức tiêu chuẩn cho phép, phẫu thuật xác cá không có biểu hiện lâm sàng của việc bị dịch bệnh như dự đoán.
Sau khi ra tuyến bố cá nuôi của hàng trăm hộ dân bị chết hàng loạt không phải do bị dịch bệnh, cơ quan chức năng đã chuyển hướng sang điều tra nguyên nhân hàng chục tấn cá chết là do môi trường nước bị ô nhiễm. Quả nhiên, tới thời điểm chiều 13/4, cơ quan chức năng xác định được 3 doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông không qua xử lý.
Chiếu theo quy định của pháp luật, ngoài việc bị cơ quan có thẩm quyền phạt hành chính về hành vi xả nước thải độc hại ra sông Mã, các doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước còn phải liên đới trách nhiệm bồi thường hơn chục tấn cá bị chết cho người dân. Nếu tập hợp đủ căn cứ, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường.
Tạm khoan nói đến chuyện phạt hành chính hay khởi tố hình sự về hành vi xả nước thải độc hại ra môi trường sông Mã của các doanh nghiệp. Chỉ riêng về phạm trù đạo đức đã đủ để dư luận xã hội lên án đối với những doanh nghiệp có hành vi bất lương, bất chấp sự ô nhiễm của môi trường, chỉ cốt sao giảm được chi phí sản xuất.
Thử nghĩ, trong số hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản và cá lồng bè, có bao nhiêu người sẽ phải điêu đứng, thậm chí phá sản vì hành vi xả thải độc hại ra môi trường của một số doanh nghiệp nêu trên. Chỉ vì “tiết kiệm” chi phí sản xuất, tư duy ích kỷ bất chấp pháp luật, các doanh nghiệp đã dồn người dân đến khổ khốn đốn.
Thử đặt vấn đề, nếu cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân hàng chục tấn cá và thủy sản mà người dân nuôi trồng bị chết do ô nhiễm nguồn nước, số phận của những hộ dân nuôi trồng thủy sản sẽ ra sao? Đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng, họ không thể nói gì để khất nợ, mà chỉ có thể ngậm đắng nuốt cay chấp nhận bị siết nợ nhà cửa, ruộng vườn.
Có thể nhiều người nghĩ hơn chục tấn cá không đáng giá là bao mà cứ phải làm ầm ĩ lên. Song, với các hộ dân tần tảo một nắng hai sương thì đó là cả gia tài của họ. Cá chết không chỉ là mất lãi mà còn là mất vốn, là không còn khả năng thanh toán trả nợ ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc thân bại danh liệt, không thể phục hồi sản xuất và cải thiện đời sống.
Vậy nên, khi đã xác định được các “sát thủ” giấu mặt, cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh tay, không chỉ để lấy lại sự công bằng cho người nuôi trồng thủy sản, mà còn để răn đe, trấn áp đối với những doanh nghiệp khác đang gây ô nhiễm môi trường sống. Đừng để có tiền lệ xấu là cứ vô tư gây ô nhiễm môi trường rồi sẽ chẳng làm sao.
Dư luận xã hội cho rằng, nếu cần thiết cơ quan CSĐT Công an huyện Bá Thước, hoặc lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa có thể thu thập chứng cứ tài liệu, lập hồ sơ xử lý hình sự để “làm điểm”, nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Khi mà có “tấm gương tày liếp” phải nhập kho vì coi thường pháp luật, đầu độc môi trường, các doanh nghiệp khác sẽ cân nhắc hơn trong việc chọn tiết kiệm chi phí hay vào tù.