Sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Trách nhiệm thuộc đơn vị thi công?

Hoàng Sa 23/12/2021 09:52

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình (Công ty BOT) thi công chống sạt trượt sai so với phương án được chấp thuận sẽ không được chấp thuận nguồn kinh phí cho việc thi công. Bên cạnh đó, trách nhiệm về việc đào múc, vận chuyển đất vượt quá giới hạn thuộc về Công ty BOT, đơn vị thi công và chính quyền địa phương.

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã có nội dung phản ánh về việc thi công chống sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại điểm từ Km11+480 - Km11+780 (T) thuộc địa phận xã Yên Trung (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội). Phương án được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.

Với gần 4 tỷ đồng “tạm phê duyệt” cho thi công, Công ty BOT đã phê duyệt lựa chọn, chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Phương Nam (có địa chỉ tại Thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) thực hiện Gói thầu 01 “thi công khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra” với hình thức “hợp đồng điều chỉnh giá” và giá trị hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo giá trị dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận và chủ đầu tư phê duyệt; thực hiện trong thời gian 30 ngày tính từ ngày được phê duyệt là ngày 18/10/2021.

Tuy nhiên, với đoạn đường dài chỉ 300 m, lý do được đưa ra là “khắc phục thiên tai, đảm bảo an toàn” nhưng việc thi công lại chậm tiến độ hơn 1 tháng mà chỉ dừng lại ở việc đào múc, vận chuyển đất, bất chấp để thi công sai so với phương án thi công đã được chấp thuận.

Theo phương án được chấp thuận, việc xử lý sạt trượt được xử lý sẽ tạo 3 mái taluy có độ dốc 1:1,5 cùng các khoảng cách MIA tương ứng, nhưng đến nay hiện trường thi công lại được múc phẳng bằng mặt đường, ước tính hàng trăm nghìn khối đất đã bị khai thác, vận chuyển. Ngày 6/12/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam buộc phải ban hành văn bản yêu cầu Công ty BOT tạm dừng việc thi công vì việc đào bạt giảm tải có mặt cắt ngang chưa trùng khớp với hồ sơ do Công ty BOT đề xuất, lập biên bản thống nhất gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được xem xét, chỉ đạo. Tuy nhiên, theo đại diện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì cho đến nay (ngày 21/12/2021), Công ty BOT vẫn chưa có văn bản báo cáo theo yêu cầu.

Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I, ông Trần Hưng Hà cho biết: Sau khi Tổng cục Đường bộ ban hành văn bản yêu cầu Công ty BOT dừng thi công, kiểm tra và báo cáo thì ngày 8/12/2021 Chi cục Quản lý đường bộ 1.1 cũng đã cùng các bên tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường đã yêu cầu Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng Phương Nam dừng ngay việc thi công; nghiêm túc tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp về đảm bảo an toàn giao thông (bố trí đầy đủ biển báo, rào chắn, cảnh giới,…), công tác vệ sinh môi trường khu vực thi công. Đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc các nội dung theo văn bản số 9026/TCĐBVN-ATGT ngày 6/12/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về sự khác nhau giữa việc kiểm tra thực tế hiện trạng hiện trường thi công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được ghi nhận như thế nào so với phương án thi công mà Công ty BOT được chấp thuận trước đó, ông Hà lý giải: Đến nay phía Công ty BOT chưa có báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định thì trong vòng 14 ngày, phía Công ty BOT phải có trách nhiệm hoàn thành việc báo cáo dù văn bản yêu cầu không thể hiện thời hạn báo cáo.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận Công ty BOT thi công chậm tiến độ, quá trình thi công sai với phương án được chấp thuận, nhưng không có báo cáo mà hoàn toàn tự ý thi công. Đồng thời khẳng định: Công ty BOT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thi công sai với phương án được chấp thuận, sẽ không được chấp thuận phương án kinh phí đã trình vào chi phí của dự án.

Trước câu hỏi về trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi để xảy ra việc Công ty BOT không thực hiện đúng theo phương án được chấp thuận, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I, ông Trần Hưng Hà cho rằng: Cục Đường bộ chỉ quản lý về phần đường. Việc đổ thải, vận chuyển, khai thác đất hay giải phóng mặt bằng như thế nào thuộc về việc quản lý của chính quyền địa phương. Công ty BOT, đơn vị thi công, chính quyền cấp xã, cấp huyện phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm theo những quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Trách nhiệm thuộc đơn vị thi công?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO