Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, bằng những quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, trên địa bàn Hà Nội đã không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Nội đã giảm mạnh.
Thông tin trên được ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 24/7.
Theo ông Vũ Duy Tuấn, khi Hà Nội mới hợp nhất với Hà Tây và 3 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như: Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền; dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo lớn; hệ thông kêt cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và còn thiếu…
Thế nhưng sau 10 năm hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, không gian sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ dô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%), nhiều chỉ tiêu tăng gấp từ 2-3 lần: GRDP/người tăng 2,3 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần; thu nhập bình quân/người/năm của nông dân tăng 2,92 lần.
Nếu như đến tháng 12/2008 bình quân thu nhập của nông dân là 13 triệu đồng/người/năm thì đến tháng 12-2017 tỷ lệ này đạt 39 triệu đồng/người/năm. Cùng với việc tăng thu nhập thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội cũng giảm rõ rệt (giảm 6,74 điểm%-chuẩn đa chiều).
Hết năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Nội là 8,43%; đến hết năm 2017 tỷ lệ này giảm còn 1,69%; Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.