Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài 1691,15 m. Trải qua 120 năm khai thác, sử dụng, đến nay cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vết rỉ sét, chằng chịt ổ gà. Dù đã có biển cảnh báo với dòng chữ "Cầu Long Biên yếu, cấm các loại xe đạp thồ, xe máy thồ" được treo tại đầu lối lên phía đầu cầu thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội). Nhưng hàng loạt xe máy thồ chở hàng hóa cồng kềnh vẫn ngang nhiên di chuyển trên cầu. Hiện nay, nhiều vị trí trên cầu bị han rỉ. Mặt cầu bị bong tróc, gây mất ATGT cho các phương tiện di chuyển qua đây. Được biết, chỉ trong 1 tháng, cầu Long Biên đã 2 lần liên tiếp xảy ra tình trạng sập tấm đan ở phần bộ hành và mặt đường bộ. Dù đã qua nhiều lần sửa chữa, cầu Long Biên đang ngày càng xuống cấp. Những vết rạn nứt, ổ gà chạy dài suốt cây cầu khiến người tham gia giao thông khó khăn khi điều khiển phương tiện trên bề mặt cầu. Nhiều khe hở tại lối dành cho người đi bộ có thể nhìn xuyên xuống lòng sông. Bên cạnh đó, dù đã có thanh ngăn chặn xe máy lên lối đi bộ hành, nhiều người vẫn đi, lên xuống từ giữa phần đường bộ, gây mất ATGT cho các phương tiện đang di chuyển phía sau. Dù trên cầu có biển cấm họp chợ, nhưng có khá đông người dân buôn bán tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Được biết, Công ty Cổ phần Đường sắt Hải Hà (thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam) là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy tu cầu Long Biên. Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, mặc dù năm 2021 đơn vị đã tập trung khắc phục các vị trí yếu, nhưng cũng chỉ đủ kinh phí bảo dưỡng thường xuyên để sơn lan can, vá mặt đường bộ, gia cố một số dầm dọc bộ hành... Theo tìm hiểu của PV, Bộ GTVT đã đưa vào kế hoạch vốn năm 2022 cho cầu Long Biên (ngoài vốn bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên): Kiểm định toàn bộ phần đường bộ; Kinh phí sửa chữa đường bộ hành, để triển khai sửa chữa thời gian tới.