Hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 xe kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp camera giám sát, nhưng đến nay tỷ lệ xe lắp camera rất thấp. Theo đó, sau ngày 31/12 xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm, phạt tiền.
Tỷ lệ lắp camera thấp
Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, tính đến thời điểm hiện nay ở Hà Nội mới có gần 11.000 xe/ 34.151 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ gần 30% tổng số xe, cho thấy việc lắp đặt camera đạt tỷ lệ rất thấp.
"Vừa qua chúng tôi đã tổ chức các hội nghị đối thoại để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của doanh nghiệp. Cho thấy lý do chậm lắp camera, là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động; các doanh nghiệp có tâm lý là chờ đợi nghe ngóng xem chủ trương của Chính phủ có thay đổi thời gian lắp không thì trên cơ sở Nghị quyết 66 của Chính phủ chúng tôi đã thông tin đến các doanh nghiệp đến ngày 31/12/2021 phải thực hiện việc lắp đặt camera theo quy định"- ông Long nói
Bên cạnh đó, tại Bắc Ninh, hiện nay số lượng phương tiện đã lắp đặt camera chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, số xe của các doanh nghiệp mới lắp được 60%; các hộ kinh doanh mới lắp được 30%.
Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh mới có khoảng 300 xe kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera giám, chỉ chiếm 10% trong tổng số xe phải lắp theo quy định của Chính phủ.
Còn ở Yên Bái, đến nay số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ 28%. Nguyên nhân cũng được Sở GTVT Yên Bái lý giải giống như Bắc Giang hay các địa phương khác.
Bên cạnh đó, tại tỉnh Quảng Ninh đến nay, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera trên địa bàn tỉnh là 598 xe, bằng 25%/tổng số xe thuộc đối tượng phải lắp (2.375) chiếm 39,8%/tổng số xe đang hoạt động (1.501 xe).
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mặc dù số lượng phương tiện trong diện bắt buộc phải lắp là rất lớn, song, một số doanh nghiệp vẫn chần chừ. Có thể nói lý do lớn nhất là phương tiện hoạt động chưa cao, do dịch Covid-19 nên vận tải hành khách, vận tải hàng hóa còn phải nghỉ nhiều do nhu cầu đi lại của hành khách còn thấp.
Xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh chưa lắp camera
Trước đó, ngày 1/12, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra tại một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hà Nội về tiến độ triển khai việc lắp camera theo quy định tại Nghị định 10 của Chính Phủ.
Tại Công ty cổ phần xe khách Hà Tây, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty cho biết, hiện đơn vị đã lắp đặt được 22 phương tiện, còn lại 40 phương tiện. Dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc lắp đặt một camera/xe chi phí bỏ ra khoảng 5 - 6 triệu đồng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn đến thời điểm lắp đặt, dịch bệnh còn phức tạp, số xe chưa được hoạt động công suất 100%, mong được Hà Nội xem xét cho phép những xe nào hoạt động sẽ lắp đặt trước. Cùng đó, doanh nghiệp mong muốn, tích hợp giữa hệ thống GPS và camera là một để đỡ chi phí.
Thông tin với báo chí ông Phạm Trọng Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-09D Hà Nội cho biết: “Các chủ xe, người đi đăng kiểm đều nắm được quy định đến ngày 31/12/2021 là thời hạn cuối phải lắp camera giám sát, nhưng khoảng 2/3 xe tại thời điểm đăng kiểm vẫn chưa lắp. Chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc chủ phương tiện biết sau ngày 31/12/2021 nếu không lắp sẽ không được tiếp nhận kiểm định”.
Đề cập trường hợp xe quá hạn 31/12/2021 chưa lắp, lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm đều cho biết, nếu xe phải lắp camera khi đến hạn đăng kiểm định kỳ mà chưa lắp đều bị từ chối tiếp nhận đăng kiểm.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định: "Nếu sau ngày 31/12 căn cứ vào xử lý của Thanh tra, chúng tôi giao cho Phòng nghiệp vụ của Sở GTVT để tổ chức chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải khi không thực hiện theo đúng quy định Nghị định của Chính phủ".
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, Chính Phủ đã cho lùi thời gian xử phạt do thời gian dịch bệnh khó khăn nhưng không thể tiếp tục lùi được nữa. "Sau ngày 31/12/2021, nếu các doanh nghiệp chưa lắp đặt camera theo quy định chúng tôi sẽ yêu cầu các Sở ngành xử lý nghiêm”, bà Hiền nhấn mạnh.
Theo điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trong trường hợp:
Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).
Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Tại Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000đ - 12.000.000đ đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).
Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.