Trong 6 năm Nhà nước đã phải giải quyết bồi thường 204 vụ việc với trên 111 tỷ đồng nhưng mới chỉ xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ trong 22 vụ việc, với tổng số tiền 676,742 triệu đồng. Đây là con số được Bộ Tư pháp công bố tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sáng ngày 7-1.
Ông Lương Ngọc Phi, người có số tiền bồi thường lên tới gân 23 tỷ đồng.
Nhà nước bồi thường 111 tỷ đồng, cán bộ hoàn trả 676 triệu
Đánh giá 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn cho biết, đến ngày 31-12-2015 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Còn lại 54 vụ việc vẫn đang tiếp tục giải quyết.
Trong lĩnh vực tố tụng, các cơ quan đã thụ lý 163 vụ việc và đã giải quyết xong 133 vụ việc, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường gần 56,8 tỷ đồng; còn 30 vụ việc đang giải quyết. Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc và đã giải quyết xong 32 vụ việc với số tiền phải bồi thường là 37,77 tỷ đồng.
“Hai vụ có số tiền bồi thường kỷ lục thuộc về hai người bị kết tội oan là ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) và cựu giám đốc Lương Ngọc Phi (Thái Bình). Hiện, ông Chấn đã nhận tiền bồi thường hơn 7 tỷ đồng. Với ông Phi, theo phán quyết của tòa án cơ quan gây oan sai phải bồi thường gần 23 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết ” – Ông Bốn cho hay.
Đánh giá về kết quả sau 6 năm triển khai Luật, Bộ Tư pháp cho rằng Luật đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu, tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, tuy số tiền phải bồi thường là rất lớn nhưng số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả 3 lĩnh vực (chủ yếu là trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự) là rất ít, chỉ có 22/204 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền 676,742 triệu đồng, trong khi tổng số tiền mà Nhà nước đã phải bồi thường lên tới 111,149 tỷ đồng.
Nhiều cơ quan xem nhẹ việc hoàn trả cán bộ làm sai
Đánh giá về con số hoàn trả 676 triệu đồng đại diện Bộ Tư pháp cho biết, một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa đúng theo quy định của pháp luật. “ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước đã chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng trên thực tế việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật lại được cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét khi chưa được cấp kinh phí” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói.
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Tư pháp một trong nguyên nhân khiến việc hoàn trả đạt thấp do quy định của Luật về trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án dẫn đến việc xem xét trách nhiệm kỷ luật đối với công chức có hành vi trái pháp luật chưa được thực hiện thống nhất, tùy tiện trong việc quyết định các hình thức kỷ luật.
Xuất phát từ thực trạng trên Bộ Tư pháp cho rằng cần bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ. Trong đó quy định mức hoàn trả được xác định trên cơ sở mức độ lỗi, số tiền thiệt hại nhà nước phải bồi thường.